Sản xuất công nghiệp tháng 7 khởi sắc hơn tháng trước, ước tính chỉ số IIP trong tháng tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ 2022.
Các ngành sản xuất công nghiệp đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến, chế tạo tăng 3,6%; ngành khai khoáng tăng 4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3%.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước. Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi 2 năm trước (2021 - 2022) ngay cả trong đại dịch, chỉ số công nghiệp 7 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng ở mức tốt, đạt 7,6% và 8,6%.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 1%, làm giảm 0,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 1,2%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nhưng không có sự biến động quá mạnh. Mức tăng/giảm hầu như không đến hai con số, chỉ trừ ngành có mức tăng mạnh nhất là ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế, tăng 12,2%.
Mức tăng cao thứ hai là ngành khai thác quặng kim loại và sản xuất sản phẩm thuốc lá (cùng tăng 8,6%). Ngược lại, mức giảm lớn nhất đến từ ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (giảm 6,9%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó Phú Thọ và Bắc Giang là hai tỉnh thành tăng trưởng dẫn đầu với mức tăng sát nút lần lượt là 15,8% và 15,6%. Mức tăng này chủ yếu do chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng tốt khi Bắc Giang tăng 16,1%; Phú Thọ tăng 15,8%.
Riêng với ngành sản xuất và phân phối điện, Hậu Giang tiếp tục chứng kiến mức tăng vọt khi tăng 211,3%, bỏ xa mức tăng 89,7% của Khánh Hòa ở vị trí thứ hai.
Ngược lại, Sơn La và Lai Châu là hai địa phương có chỉ số IIP giảm sâu nhất, khi giảm lần lượt 37,3% và 36,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện cả hai địa phương đều giảm mạnh, Sơn La giảm 47,5% còn Lai Châu giảm 38,1%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, với 3 vị trí đứng đầu thuộc về đường kính (tăng 32,3%); phân hỗn hợp N.P.K (tăng 15,9%) và xăng dầu (tăng 13,2%).
Ở chiều ngược lại, sản phẩm ô tô và điện thoại di động tiếp tục giảm mạnh, lần lượt giảm 19,6% và 19,3%. Do các sản phẩm này có nhu cầu mua sắm thấp, tiêu thụ kém trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, sản phẩm điện thoại cũng ghi nhận mức giảm mạnh 18% của kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 27,8 tỷ USD.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/7/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 3,9% so với cùng thời điểm năm trước.