Phương Tây chỉ trích Nga khi đình chỉ hiệp ước hạt nhân

New START Nga - Mỹ
11:32 - 22/02/2023
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars được bắn thử trong khuôn khổ cuộc tập trận hạt nhân của Nga, tháng 10/2022. Ảnh: BQP Nga
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars được bắn thử trong khuôn khổ cuộc tập trận hạt nhân của Nga, tháng 10/2022. Ảnh: BQP Nga
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Mỹ, NATO và EU lên tiếng chỉ trích quyết định đình chỉ tham gia hiệp ước New START của Nga, trong khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga - Mỹ nên nối lại việc thực thi hiệp ước để duy trì hòa bình và an ninh thế giới. 

Trong diễn văn Thông điệp Liên bang ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo về quyết định quan trọng của Moscow đối với Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân (New START).

“Hôm nay, tôi buộc phải thông báo rằng Nga đang tạm ngừng tham gia hiệp ước New START. Tôi nhắc lại, chúng ta không rút khỏi hiệp ước, mà chỉ đơn thuần là ngừng tham gia", Tổng thống Putin tuyên bố.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang. Ảnh: Sputnik

New START hiện là trụ cột duy nhất còn lại trong việc kiểm soát hạt nhân song phương giữa Moscow và Washington, kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019.

Sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: "Thông báo của Nga rằng họ tạm ngừng tham gia New START là vô cùng đáng tiếc và vô trách nhiệm”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters

“Mỹ sẽ theo dõi cẩn thận để xem Nga thực sự làm gì. Tất nhiên, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi sẽ ở vị thế thích hợp, vì an ninh của chính đất nước chúng tôi và của các đồng minh”, ông Blinken nói.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng thảo luận về các hạn chế vũ khí chiến lược vào bất cứ khi nào với Nga, bất kể điều gì khác đang xảy ra trên thế giới, hoặc trong mối quan hệ giữa hai nước”, Ngoại trưởng Mỹ nói. “Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta cần hành động có trách nhiệm trong lĩnh vực này. Đó cũng là điều mà thế giới đang mong chờ ở chúng ta”.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ sự tiếc nuối về động thái của Nga. “Với quyết định về New START, toàn bộ cấu trúc kiểm soát vũ khí đã bị phá bỏ. Tôi mạnh mẽ khuyến khích Nga xem xét lại quyết định của mình và tôn trọng các thỏa thuận hiện có”, ông cho biết.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

"Một thế giới có nhiều vũ khí hạt nhân hơn cùng ít biện pháp kiểm soát hơn sẽ trở nên nguy hiểm hơn", ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Còn người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell lên tiếng cảnh báo quyết định của Nga là tiềm ẩn mối đe dọa. "Việc Nga đình chỉ hiệp ước New START là bằng chứng nữa cho thấy những gì Moscow đang làm chỉ là phá hủy hệ thống an ninh được xây dựng thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh", ông nói.

Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Nga và Mỹ tiếp tục thực thi đầy đủ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định: "Lập trường của Tổng thư ký luôn rõ ràng, đó là Mỹ và Nga cần nối lại ngay lập tức việc thực hiện đầy đủ New START."

"Hiệp ước New START và các hiệp ước song phương kế tiếp về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa hai nước đã mang lại an ninh không chỉ cho Nga và Mỹ mà còn cho toàn thể cộng đồng quốc tế. Ngược lại, một thế giới không có kiểm soát vũ khí hạt nhân là một thế giới nguy hiểm và bất ổn hơn nhiều với những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra", theo ông Stephane Dujarric.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow sẽ tuân thủ việc giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân được quy định trong hiệp ước và sẽ tiếp tục trao đổi thông tin về các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo theo các thỏa thuận trước đó với Mỹ.

Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang để ngỏ khả năng nối lại đàm phán kiểm soát vũ khí với Nga bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, 2 trong số các yếu tố chính của hiệp ước, gồm hoạt động thanh sát tại chỗ và các cuộc họp của ủy ban song phương để thực hiện hiệp ước, đã bị tạm dừng trong thời gian qua. Vẫn chưa rõ liệu Nga có tiếp tục trao đổi dữ liệu theo hiệp ước hay không.

Một quan chức và hai nhà phân tích Mỹ nhận định, phản ứng của Mỹ có thể cho thấy “sự bình tĩnh” của Washington trước các tuyên bố của ông Putin, đồng thời nước này vẫn muốn tạo ra khoảng trống để Moscow có thể thay đổi hướng đi. Một quan chức khác cho hay Washington vẫn đang cố gắng phỏng đoán tính toán của ông Putin đằng sau động thái này.

Hiệp ước New START được Mỹ và Nga thực thi từ năm 2011. Đến năm 2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký gia hạn New START thêm 5 năm, kéo dài thỏa thuận đến năm 2026.

Cuối tháng 1, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi từ chối cho Washington tiến hành các hoạt động thanh sát trên lãnh thổ. Trước đó, Nga cáo buộc Washington có cách hành xử "chống Nga một cách gay gắt" và điều này đã buộc Moscow phải rút khỏi cuộc đàm phán hạt nhân với Washington.

Tin liên quan

Đọc tiếp