PNJ có lịch sử chia cổ tức đều đặn. |
Công bố thông tin trên HoSE, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) thông báo ngày 3/10 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức bằng tiền đợt 2 năm 2023. Tỷ lệ là 14%, tương ứng 1 cổ phiếu nhận về 1.400 đồng. Ngày thanh toán là 16/10/2024.
Trước đó, vào tháng 4/2024, PNJ đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2023 là 20%, tương đương năm 2022. Theo kế hoạch, tỷ lệ cổ tức dự kiến trong năm 2024 của PNJ tiếp tục là 20%.
PNJ cũng mới công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2024, với doanh thu thuần đạt 26.866 tỷ đồng, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế tăng 3%, đạt 1.281 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2024, công ty đã hoàn thành 72% mục tiêu doanh thu và 61% mục tiêu lợi nhuận.
Trên thị trường, cổ phiếu đang giao dịch ở vùng giá gần 99.000 đồng/cp, giảm gần 10% so với mức đỉnh xác lập hồi gần cuối tháng 8/2024.
Trong báo cáo phân tích phát hành đầu tháng 9 vừa qua, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, với P/E dự phóng năm 2024 là 14,9 lần, kết hợp với cổ tức tiền mặt 2.000 đồng/cp, tổng mức sinh lời kỳ vọng là -7%, cho thấy giá cổ phiếu PNJ hiện tại đã phản ánh đầy đủ triển vọng dài hạn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường có thể đang giao dịch cổ phiếu với kỳ vọng nhiều hơn đi kèm mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn.
VDSC cho rằng, PNJ với những lợi thế cạnh tranh bền vững sẽ tiếp tục gia tăng thị phần trong thịtrường bán lẻ trang sức, từ 21% năm 2023 lên 27% năm 2028. Những lợi thế cạnh tranh này bao gồm năng lực bán lẻ đã được xây dựng qua nhiều năm, hệ thống công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp hiệu quả.
Ngược lại, mảng kinh doanh vàng miếng dự kiến sẽ thu hẹp đáng kể từ nửa cuối năm 2024 do chính sách quản lý chặt chẽ ở thị trường này. Trong kịch bản cơ sở, đơn vị phân tích dự phóng mảng kinh doanh này không còn đóng góp đáng kể doanh thu. Theo đó, biên lợi nhuận ròng tổng thể tăng mạnh từ 5,9% năm 2023 lên 10,2% năm 2028, song lợi nhuận tuyệt đối không chịu ảnh hưởng nhiều.
VDSC cho rằng PNJ vẫn có đủ nguồn cung để sản xuất nữ trang, nhờ nhu cầu thay đổi nữ trang của người tiêu dùng và năng lực tài chính tốt nên có thể thu gom được nguyên liệu chi phí cao.
Rủi ro đối với PNJ, theo VDSC là thiếu hụt nguồn cung vàng nguyên liệu do yếu tố khách quan; nhu cầu tiêu dùng trang sức thấp hơn dự kiến do ảnh hưởng của kinh tế và thói quen tiêu dùng.
Ba doanh nghiệp thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi quý, chỉ phải vay nợ 'không đáng kể' PNJ, Sabeco, Nhựa Bình Minh là những doanh nghiệp đầu ngành, doanh thu mỗi quý hàng nghìn tỷ đồng trong khi chỉ phải vay nợ rất ít. |