PV Power đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm hơn một nửa

PV Power Việt nAM
17:24 - 25/04/2023
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của PV Power tổ chức sáng 25/4 tại Hà Nội. Ảnh: Thu Thảo.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của PV Power tổ chức sáng 25/4 tại Hà Nội. Ảnh: Thu Thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Trong kế hoạch tài chính năm 2023, PV Power đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 1.118 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với con số thực hiện 2.553 tỷ đồng năm 2022.

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power, HoSE: POW) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Hoàn thành vượt các mốc chỉ tiêu trong năm 2022

Báo cáo tại đại hội, Tổng giám đốc PV Power Lê Như Linh cho biết, năm 2022, trước những biến động, khó khăn, thách thức nhưng PV Power đã nỗ lực nắm bắt thời cơ, vận hành linh hoạt, tối ưu chi phí để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh do Đại hội đồng cổ đông giao.

Cụ thể, sản lượng điện toàn tổng công ty cả năm đạt 14.197 triệu kWh triệu kWh, bằng 102% kế hoạch; Doanh thu 28.790 tỷ đồng, bằng 119% kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế 2.809 tỷ đồng, bằng 325% kế hoạch; Nộp ngân sách Nhà nước toàn tổng công ty đạt 985 tỷ đồng, Công ty mẹ nộp ngân sách Nhà nước đạt 948 tỷ đồng, bằng 124% kế hoạch.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản toàn PV Power đạt 56.843 tỷ đồng.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, PV Power đề xuất dùng 41% để trích các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi,... với tổng giá trị khoảng 400/968 tỷ đồng lợi nhuận.

Về công tác đầu tư, PV Power đã hoàn thành việc ký hợp đồng EPC với liên danh nhà thầu Lilama và Samsung C&T và hợp đồng bảo trì sửa chữa dài hạn cho các thiết bị chính với General Electric cho Dự án Nhơn Trạch 3&4, dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam.

PV Power cùng các đối tác COLAVI, Tokyo Gas và Marubeni đã được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án LNG Quảng Ninh, dự án điện LNG đầu tiên tại miền Bắc. CTCP điện khí LNG Quảng Ninh cũng đã được thành lập.

Lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng được PV Power đẩy mạnh và đã có những thành công bước đầu. Hiện công suất điện mặt trời của Tổng công ty đạt 4,6MWp.

Cũng trong năm 2022, PV Power đã hoàn thành sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ các nhà máy điện (NMĐ) an toàn, đúng tiến độ: Tiểu tu NMĐ Hủa Na; Đại tu Tổ máy H1 NMĐ Đakđrinh; Trung tu các tổ máy GT11 và ST18 NMĐ Nhơn Trạch 1; Tiểu tu NMĐ Nhơn Trạch 2; Đại tu NMĐ Cà Mau 1...

Tổng công ty cũng đã có nhiều bước tiến trong công tác tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Năm 2022, PV Power đã chuyển nhượng được 250.000/30,8 triệu cổ phần tại CTCP Điện Việt Lào (VLP) và 57.500/2,88 triệu cổ phần tại CTCP EVN Quốc tế.

Kế hoạch lợi nhuận năm 2023 đi lùi

Theo nhận định của HĐQT PV Power, năm 2023 tiếp tục là một năm đầy rẫy những khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, với những rủi ro khách quan và chủ quan hiện hữu.

Bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên HĐQT PV Power cho biết, rủi ro đầu tiên chính là xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp khiến giá dầu thô, kéo theo giá khí, giá than và các chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất tăng cao, làm ảnh hưởng đến nhu cầu phụ tải và sản xuất điện của PV Power.

Bên cạnh đó, với việc thực hiện các cam kết về phát thải ròng tại COP26, vào mùa mưa và những khoảng thời gian thuận lợi, hệ thống sẽ ưu tiên huy động các nguồn năng lượng tái tạo với công suất đặt trên 21.000 MW, chiếm hơn 27% công suất đặt của toàn hệ thống phát điện. Do đó, việc huy động từ các nguồn nhiệt điện khí và than sẽ bị giảm, làm ảnh hưởng trực tiếp tới các nhà máy điện hiện có của PV Power.

Trong khi đó, các nhà máy điện của PV Power phải sử dụng nguồn khí bổ sung với giá cao, làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của PV Power khi tham gia thị trường điện. Hiện nay, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 phải bao tiêu khí nhưng không được chuyển ngang khối lượng khí bao tiêu tương ứng sang hợp đồng mua bán điện (PPA).

Khí cấp cho các nhà máy điện được giao đều các tháng trong năm trong khi điện được huy động theo mùa và theo sản lượng hợp đồng (Qc) được hệ thống phân bổ.

Sản lượng hợp đồng của Nhà máy điện Nhơn Trạch được phân bổ chỉ ở mức tối thiểu là 741,1 triệu kWh và tập trung chủ yếu vào tháng 9 và tháng 10, các tháng khác được huy động ở mức thấp, dẫn đến tăng số lần khởi động và thời gian ngừng máy. Bên cạnh đó, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 ở cuối nguồn cấp khí nên phải chịu thêm phần cước phân phối Phú Mỹ - Nhơn Trạch với giá trị 0,647 USD/MM.BTU làm cho giá khí bình quân của Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 tăng cao, dẫn tới giá biến đổi tăng và ảnh hưởng đến khả năng huy động cũng như năng lực cạnh tranh so với các nhà máy điện khác trong khu vực.

Đặc biệt, trong năm 2023, nhiều nhà máy điện của PV Power sẽ ngừng máy để sửa chữa lớn khiến chi phí sản xuất của PV Power tăng trong thời gian dài ngừng máy.

Ngoài ra, tỷ giá ngoại tệ tăng cao cũng ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ và hiệu quả các nhà máy điện cũng như việc thu xếp vốn cho đầu tư. Hiện việc thu xếp vốn cho đầu tư các dự án nguồn điện gặp nhiều khó khăn trong khi nhu cầu vốn đầu tư của PV Power rất lớn.

Hơn nữa, đại diện PV Power thông tin, hiện Tổng công ty tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ tiền điện. Trong đó, riêng nợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với PV Power đến thời điểm này đã lên tới 6.572 tỷ đồng, chiếm tới 71% các khoản phải thu ngắn hạn của PV Power hiện nay.

Trước những khó khăn nêu trên, PV Power đã trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 1.118 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với con số thực hiện trong năm 2022 là 2.553 tỷ đồng.

Tổng sản lượng điện sản xuất kế hoạch năm 2023 là 15.600 triệu kWh, tăng hơn 1.680 triệu kWh so với thực hiện của năm 2022. Tổng doanh thu dự kiến năm 2023 là 30.332 tỷ đồng, tăng 1.542 tỷ đồng so với thực hiện năm 2022. Nộp ngân sách Nhà nước kế hoạch đạt 879 tỷ đồng.

Theo đại diện HĐQT PV Power, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, PV Power tiếp tục phối hợp với EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc A0, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) trong quản lý vận hành và sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện của PV Power, huy động tối đa công suất đảm bảo vận hành an toàn, khả dụng, hiệu quả các nhà máy điện.

PV Power tiếp tục bám sát thị trường điện cạnh tranh, tối ưu hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh các nhà máy điện khi tham gia thị trường và sẵn sàng tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tập trung đàm phán với EVN và Công ty Mua Bán điện (EPTC) và báo cáo các cấp có thẩm quyền về Qc cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 (do không có cam kết cấp khí), Nhà máy điện Cà Mau 1&2…

Tổng công ty cũng đảm bảo cung cấp than ổn định, liên tục, dài hạn và triển khai tốt công tác tiêu thụ tro xỉ nhằm đảm bảo vận hành an toàn, liên tục cho Nhà máy điện Vũng Áng 1; Triển khai đàm phán giá điện chính thức Nhà máy điện Vũng Áng 1 sau khi quyết toán vốn đầu tư dự án được phê duyệt.

Đối với sửa chữa lớn, PV Power chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhân lực, tài chính để đảm bảo đại tu, trung tu và tiểu tu các tổ máy với chất lượng và tiến độ đề ra.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc thu xếp vốn cho dự án đầu tư Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng Giám đốc PV Power cho biết, tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 1,4 tỷ USD bao gồm thuế giá trị gia tăng. Theo phương án được đại hội đồng cổ đông thông qua và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phê duyệt, vốn chủ sở hữu chiếm 25%, tương đương hơn 300 triệu USD.

"Đến thời điểm này, PV Power cơ bản thu xếp đủ vốn cho dự án. Tổng công ty đã thu xếp xong 25% vốn đối ứng trên cơ sở cân đối dòng tiền từ nay đến năm 2025. Bên cạnh đó, PV Power đã xúc tiến vay vốn từ 3 nguồn cơ bản: Vay 200 triệu USD của một ngân hàng Nhật Bản; Vay 4.000 tỷ đồng của Vietcombank. Khoản vay lớn nhất là khoản vay 500 triệu USD từ Citibank và IG với lãi suất thấp nhất trong lịch sử phát triển của Tổng công ty", ông Nguyễn Duy Giang thông tin.

Bên cạnh đó, ông Giang cũng cho biết PV Power sẽ hoàn thành ký hợp đồng mua bán điện PPA với EPTC và hợp đồng mua bán khí GSA với Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) để triển khai các bước tiếp theo đảm bảo tiến độ cũng như hoàn thành việc thu xếp vốn cho dự án.

Về việc đảm bảo nguồn khí cho Nhà máy điện Cà Mau 1&2 trong bối cảnh nguồn khí từ vùng chồng lấn suy giảm, đại diện PV Power cho biết tổng công ty đang đàm phán với các chủ mỏ khí nhỏ, đã chốt được thoả thuận sơ bộ để báo cáo PVN và Chính phủ nhằm tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ, làm cơ sở để đầu tư.

Nếu mọi việc thuận lợi, PV Power sẽ có nguồn khí bù đắp cho lượng khí suy giảm từ vùng chồng lấn Malaysia. Tổng công ty cũng đang có kế hoạch nhập khẩu khí lâu dài với khối lượng lớn để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, PV Power đang đề nghị Bộ Công Thương cho phép xây dựng thêm Nhà máy điện khí Cà Mau 3 sử dụng khí nhập khẩu. Dự án này đã được đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Đại diện PV Power giải đáp câu hỏi của cổ đông tại đại hội. Ảnh: Thu Thảo.

Đại diện PV Power giải đáp câu hỏi của cổ đông tại đại hội. Ảnh: Thu Thảo.

Tổng Giám đốc PV GAS được bầu làm Chủ tịch HĐQT PV Power

Trong khuôn khổ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, PV Power đã tiến hành bầu thành viên HĐQT và Kiểm soát viên.

100% cổ đông nhất trí chốt danh sách đề cử bầu 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm: Ông Lê Như Linh, ông Hoàng Văn Quang và bà Vũ Thị Tố Nga; 1 thành viên độc lập HĐQT là ông Nguyễn Bá Phước.

4 thành viên Ban Kiểm soát mới nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm: ông Phạm Minh Đức, bà Vũ Thị Ngọc Dung, bà Hà Thị Minh Nguyệt và bà Nguyễn Thị Thanh Hương. Ông Phạm Minh Đức được bầu giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát PV Power.

HĐQT PV Power nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: Thu Thảo.

HĐQT PV Power nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: Thu Thảo.

Với việc nắm quyền chi phối (79% vốn điều lệ) tại PV Power, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đề cử ông Hoàng Văn Quang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) làm Chủ tịch HĐQT PV Power thay ông Hồ Công Kỳ được điều chuyển làm nhiệm vụ mới.

Tin liên quan

Đọc tiếp