Quá trình phi USD hóa trong kinh tế quốc tế liệu có khả thi

tiền tệ MỸ
07:11 - 26/05/2023
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới vị thế đồng USD và quá trình phi USD hóa như cạnh tranh với Trung Quốc hay ảnh hưởng từ tranh chấp Nga - Ukraine. Ảnh: Reuters
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới vị thế đồng USD và quá trình phi USD hóa như cạnh tranh với Trung Quốc hay ảnh hưởng từ tranh chấp Nga - Ukraine. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Các yếu tố như sự cạnh tranh với Trung Quốc, hệ quả từ chiến dịch quân sự Nga tại Ukraine và đặc biệt là các tranh cãi liên quan tới vấn đề nâng trần nợ công 31.400 tỷ USD của chính phủ Mỹ đang góp phần vào xu hướng phi USD hóa trong kinh tế quốc tế.

Dự trữ suy giảm

Theo hãng tin Reuters trích dẫn dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, tỷ lệ đồng USD trong dự trữ ngoại hối chính thức trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm là 58% tính tới quý 4/2022. Giám đốc điều hành của Eurizon SLJ Capital Limited là Stephen Jen cho biết, sự thay đổi này thậm chí còn rõ ràng hơn khi được điều chỉnh theo tỷ giá hối đoái.

Ông Jen cho biết những gì đã xảy ra trong năm 2022 chính là việc tỷ trọng đồng USD giảm mạnh theo giá trị thực. Giải thích cho nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, ông nhận định đây là phản ứng đối với việc đóng băng một nửa trong số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 đầu năm. Các quốc gia như Saudi Arabia, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đều bắt đầu có những suy nghĩ đa dạng hóa dữ trữ ngoại hối của mình.

Trên thực tế, tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương trong quý cuối cùng của năm 2022 đã chạm mức thấp nhất trong 2 thập kỷ. Tuy nhiên, động thái này diễn ra dần dần và hiện tại nó gần như ở mức tương tự như năm 1995.

Các ngân hàng trung ương đặt các quỹ phòng ngừa rủi ro bằng USD trong trường hợp họ cần hỗ trợ tỷ giá hối đoái trong các cuộc khủng hoảng kinh tế. Nếu một loại tiền tệ suy yếu quá nhiều so với đồng USD, dầu và các mặt hàng khác được giao dịch bằng đồng tiền của Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ, làm tăng chi phí sinh hoạt và thúc đẩy lạm phát. Nhiều loại tiền tệ như đồng balboa của Panama được neo giá so với đồng USD vì những lý do tương tự.

Khả năng kiểm soát thương mại

Đồng USD có vị thế thống trị trong giao dịch hàng hóa và do đó cho phép Washington thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế thông qua cản trở việc tiếp cận thị trường của các quốc gia sản xuất như Nga, Venezuela hay Iran. Tuy nhiên, thương mại thế giới hiện đang có sự chuyển dịch.

Ấn Độ hiện đang giao dịch mua dầu của Nga bằng đồng ruble và đồng dirham trong khi Trung Quốc cũng bắt đầu chuyển sang sử dụng đồng NDT trong các giao dịch mua dầu, than và kim loại trị giá 88 tỷ USD của Nga. Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC cùng tập đoàn năng lượng TotalEnergies của Pháp đã hoàn tất giao dịch LNG thanh toán bằng đồng NDT đầu tiên vào tháng 3.

Theo Reuters trích dẫn Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tỷ lệ đồng NDT trong các giao dịch ngoại hối phi tập trung toàn cầu đã tăng từ gần như không có gì cách đây 15 năm lên 7% hiện tại.

Trong bối cảnh Nga nhận một số lượng các lệnh trừng phạt kinh tế kỷ lục và nền kinh tế của quốc gia này vận hành tốt hơn mong đợi, Reuters trích dẫn chiến lược gia Geoffrey Yu của BNY Mellon cho biết các quốc gia khác đang đặt ra câu hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra nếu đi ngược lại các biện pháp trừng phạt?"

Để quá trình phi USD hóa thành công, một mạng lưới rộng lớn và phức tạp gồm các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, giao dịch tiền tệ, tổ chức phát hành nợ và tổ chức cho vay cần phải đi tới quyết định sử dụng các loại tiền tệ khác một cách độc lập.

Tuy nhiên, điều này là rất khó. Dữ liệu của BIS cũng chỉ ra rằng đồng USD hiện vẫn chiếm 90% giao dịch ngoại hối toàn cầu, tương đương khoảng 6.600 tỷ USD năm 2022 trong khi khoảng một nửa số nợ ở nước ngoài là bằng USD và một nửa tổng thương mại toàn cầu được lập hóa đơn bằng USD.

Do đó, giáo sư kinh tế học và khoa học chính trị Berkeley Barry Eichengreen nhận định các chức năng của đồng USD “củng cố lẫn nhau”. Ngoài ra, ông cũng cho biết “Không có một cơ chế nào khiến tất cả các ngân hàng, công ty và chính phủ thay đổi hành vi của họ cùng một lúc”.

Khả năng đồng USD bị thay thế bởi một đồng tiền khác là rất thấp. Ảnh: Xinhua

Khả năng đồng USD bị thay thế bởi một đồng tiền khác là rất thấp. Ảnh: Xinhua

Cơ sở vững chắc

Do các khoản tiền gửi ngân hàng lớn không phải lúc nào cũng được bảo hiểm, các doanh nghiệp phải sử dụng trái phiếu chính phủ như một giải pháp thay thế tiền mặt. Vị thế của đồng USD cũng theo đó được củng cố bởi thị trường trái phiếu Mỹ trị giá 23.000 tỷ USD – một nơi trú ẩn an toàn. Hiện vẫn chưa có lựa chọn nào thay thế trong khi thị trường trái phiếu của Đức vẫn nhỏ hơn nhiều lần và chỉ ở ngưỡng 2.000 tỷ USD.

Ông Brad Setser, một thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations) chuyên theo dõi các dòng tiền tệ xuyên biên giới, nhận định: “Độ sâu, tính thanh khoản và sự an toàn của thị trường trái phiếu kho bạc là lý do chính giải thích tại sao đồng USD là đồng tiền dự trữ hàng đầu”.

Các nhà sản xuất hàng hóa có thể đồng ý giao dịch với Trung Quốc bằng đồng NDT nhưng việc sử dụng trái phiếu chính phủ Trung Quốc vẫn còn khó khăn do khó mở tài khoản và sự không chắc chắn về quy định vẫn còn tương đối cao.

Dù có khả năng trong tương lai sẽ không xuất hiện một đồng tiền kế nhiệm đồng USD, các lựa chọn thanh toán thay thế mọc lên nhanh chóng có thể tạo ra một thế giới đa cực. Chiến lược gia Geoffrey Yu của BNY Mellon cũng cho biết, các quốc gia đang nhận ra rằng một hoặc hai khối tài sản dự trữ chi phối là "không đủ đa dạng”. Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang xem xét nhiều loại tài sản khác nhau, bao gồm nợ doanh nghiệp, tài sản hữu hình như bất động sản và các loại tiền tệ khác.

Đọc tiếp