Quan hệ Nhật - Hàn 'tan băng' sau hội nghị thượng đỉnh Tokyo

NHẬT BẢN HÀN QUỐC
16:00 - 17/03/2023
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Ảnh: AP
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Tại hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản – Hàn Quốc được tổ chức ngày 16/3 ở Tokyo, lãnh đạo hai nước cùng tuyên bố sẽ gác lại quá khứ xung đột, cam kết hợp tác để đối phó với các thách thức an ninh khu vực.

Ngày 16/3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có chuyến thăm Nhật Bản và tham dự hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Yoon kể từ khi nhậm chức. Đồng thời, đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc đến Nhật Bản kể từ chuyến đi của Tổng thống Lee Myung-bak vào tháng 12/2011.

Sự kiện này được đánh giá là dấu hiệu cho thấy nỗ lực của Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm bình thường hóa quan hệ song phương. Theo AP, cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện quan hệ hai nước tại hội nghị thượng đỉnh, trong bối cảnh chỉ vài giờ sau vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Quan hệ Nhật - Hàn 'tan băng' sau hội nghị thượng đỉnh Tokyo ảnh 1

Chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc đến Nhật Bản sau 12 năm. Ảnh: AP

Làm mới quan hệ an ninh

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Nhật Bản cho biết: "Hoa anh đào vừa bắt đầu nở ở Tokyo vào tuần này sau một mùa đông dài. Xét về quan hệ song phương của chúng ta, Nhật Bản hiện có thể chào đón Tổng thống Hàn Quốc lần đầu tiên sau 12 năm", ông Kishida nói.

Ông tuyên bố hội nghị sẽ đánh dấu việc hai nước nối lại các chuyến thăm cấp cao thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo - vốn đã bị đình trệ trong hơn một thập kỷ, cũng như nối lại đối thoại quốc phòng, đàm phán chiến lược cấp thứ trưởng và khởi động quá trình liên lạc ba bên với Trung Quốc.

Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc nói rằng hội nghị thượng đỉnh "có ý nghĩa đặc biệt vì cho thấy rằng quan hệ Hàn - Nhật đang có một khởi đầu mới sau khi bị cản trở bởi nhiều vấn đề". Ông Yoon nhận định hai nước đều có chung giá trị dân chủ, do vậy cần "hợp tác về các vấn đề an ninh, kinh tế và các chương trình nghị sự toàn cầu".

Quan hệ Nhật - Hàn 'tan băng' sau hội nghị thượng đỉnh Tokyo ảnh 2

Nhật Bản - Hàn Quốc cam kết nối lại hợp tác về an ninh. Ảnh: AP

Nhấn mạnh về vấn đề tên lửa của Triều Tiên, ông Yoon kêu gọi: "Hàn Quốc và Nhật Bản cần hợp tác chặt chẽ với nhau và đoàn kết để đối phó với mối đe dọa một cách khôn ngoan".

"Lợi ích của Hàn Quốc không phải là 'tổng bằng không' với lợi ích của Nhật Bản", ông Yoon nói. "Quan hệ song phương tốt đẹp hơn sẽ giúp ích rất nhiều cho cả hai nước trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng an ninh".

Tổng thống Hàn Quốc cho biết, sự hợp tác của hai nước sẽ mở rộng sang lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo quân sự. Ông tuyên bố Seoul sẽ bình thường hóa hoàn toàn Thỏa thuận bảo mật chung về thông tin quân sự (GSOMIA) - hiệp ước song phương với Nhật Bản - vốn trên bờ vực bị chấm dứt dưới thời chính quyền Tổng thống Moon Jae-in.

Tổng thống Hàn Quốc cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân.

Khôi phục quan hệ thương mại

Theo AP, vài giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Lee Chang-yang cho biết Nhật Bản đã đồng ý dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu đối với Hàn Quốc sau các cuộc đàm phán trong tuần này. Theo đó, Hàn Quốc sẽ rút đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau khi các hạn chế được dỡ bỏ.

Các lãnh đạo cũng có kế hoạch tiếp tục các cuộc thảo luận để đưa Hàn Quốc và Nhật Bản trở lại “danh sách trắng” các đối tác thương mại đáng tin cậy của nhau.

Quan hệ Nhật - Hàn 'tan băng' sau hội nghị thượng đỉnh Tokyo ảnh 4

Hai bên nhất trí khôi phục quan hệ thương mại sau thời kỳ đóng băng. Ảnh: AP

Cũng trong ngày 16/3, một tổ chức vận động hành lang kinh doanh lớn nhất của Nhật Bản là Keidanren (Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản), cũng tuyên bố rằng họ và đối tác Hàn Quốc đã đồng ý thành lập các quỹ tư nhân cho các dự án song phương như trao đổi thanh niên. Keidanren cho biết họ đặt mục tiêu bắt đầu với khoản tài trợ trị giá 100 triệu Yên (752.420 USD).

Hàng chục nhà lãnh đạo doanh nghiệp đi cùng Tổng thống Yoon sẽ gặp các đối tác Nhật Bản vào ngày 17/3.

Quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc từ lâu đã có những rạn nứt từ trong lịch sử khi Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945, vấn đề phụ nữ bị mua vui trong thời chiến, lao động cưỡng bức và tranh chấp lãnh thổ đối với một cụm đảo.

Mâu thuẫn đã lên tới đỉnh điểm vào năm 2018 khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc hoặc thân nhân của gia quyến. Nhật Bản ngay sau đó đã áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại đối với Hàn Quốc.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bao gồm các vật liệu quan trọng như polyimide flo hóa - sử dụng trong màn hình OLED và chất cản quang, hydro florua - sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn.

Sức nóng từ bối cảnh khu vực và thế giới

Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đều có các sự kiện "kịch tính" - như ông Kishida mô tả là "môi trường an ninh nghiêm trọng".

Trong đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine tại châu Âu chưa có dấu hiệu chấm dứt. Trên bán đảo Triều Tiên, tình hình trở nên căng thẳng khi Bình Nhưỡng có động thái phóng tên lửa liên tục, nhằm cảnh báo trước các cuộc tập trận chung của Hàn Quốc và Mỹ.

Tờ báo lớn nhất của Nhật Bản Yomiuri bình luận rằng: "Nhật Bản và Hàn Quốc cần bình thường hóa quan hệ. Điều này không chỉ đóp góp to lớn cho mỗi nước, mà còn vì lợi ích của thế giới".

Theo giới chuyên gia, việc quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc "phá băng" sau 12 năm không những mở ra kỳ vọng cho việc cải thiện quan hệ song phương, mà còn củng cố quan hệ đối tác an ninh 3 bên với Mỹ.

Một phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/3 tuyên bố: "Mối quan hệ được cải thiện giữa Seoul và Tokyo sẽ giúp chúng ta nắm bắt các cơ hội ba bên để thúc đẩy các ưu tiên chung của khu vực và quốc tế, bao gồm tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Chúng tôi hoan nghênh Thủ tướng Kishida và Tổng thống Yoon vì đã có bước tiến tích cực này".

Tin liên quan

Đọc tiếp