Quan hệ thương mại song phương Việt - Lào gần 10 năm qua

Thương Mại Lào
08:07 - 30/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Sau thời kỳ dịch bệnh khó khăn, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam - Lào đang bắt đầu hồi phục, trong đó xuất khẩu từ phía Việt Nam có phần chững lại trong khi nhập khẩu từ Lào lại tăng trưởng tốt.

Trong gần 10 năm qua, giá trị thương mại song phương giữa Việt Nam – Lào đã tăng từ con số 1 tỷ USD hàng hóa (năm 2013) lên 1,3 tỷ USD (năm 2021). Trong đó xuất khẩu tăng từ 422 triệu USD lên 594 triệu USD; nhập khẩu tăng từ 668 triệu USD lên 777 triệu USD.

Về cán cân thương mại, trong giai đoạn 2013 - 2015, Việt Nam liên tục nhập siêu từ thị trường Lào. Bước sang năm 2016, cùng với giảm trị giá nhập khẩu hàng hóa từ Lào, Việt Nam bắt đầu ghi nhận lại xuất siêu.

Đến năm 2019 Việt Nam đạt mức xuất siêu 214 triệu USD, đây cũng là mức xuất siêu cao nhất trong gần 10 năm qua trong quan hệ giao thương với Lào. Tới năm 2021, Việt Nam ghi nhận lại nhập siêu từ Lào với mức kim ngạch 183 triệu USD.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Lào là các sản phẩm công nghiệp, điện tử, nguyên liệu... Trong giai đoạn 2017 – 2019, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này liên tục ghi nhận tăng trưởng dương. Bước sang năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào có sự sụt giảm. Năm 2021, bắt đầu ghi nhận lại tín hiệu phục hồi.

Nhìn chung, các mặt hàng đều tăng trưởng 3 con số, ngoại trừ xăng dầu khi giảm tới gần 80% trong vòng 9 năm. Trong giai đoạn 2013 - 2016, xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam sang thị trường Lào ghi nhận tăng trưởng âm liên tục, từ 106 triệu USD xuống còn 61 triệu USD. Bước sang năm 2017, con số này đã nhích lên 88 triệu USD và trở lại mốc 100 triệu USD vào năm 2018.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2019 đến nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lại tiếp tục lao dốc, đỉnh điểm trong năm 2020 trị giá xăng dầu của Việt Nam sang Lào chỉ còn 19 triệu USD, năm 2021 tăng nhẹ lên mức 23,2 triệu USD. Lượng khai thác dầu thô trong 2 năm này của Việt Nam đều giảm, lần lượt -12,6% và -13,2%, đồng thời tác động của đại dịch cũng làm gián đoạn giao thương hàng hóa giữa hai nước, trong đó bao gồm mặt hàng xăng dầu.

Về nhóm hàng nông sản (vốn là thế mạnh của Việt Nam), kim ngạch xuất khẩu sang Lào vẫn còn hạn chế. Chủ yếu do dân số của Lào tương đối thấp, chỉ ở mức 7 triệu người, tập trung chủ yếu ở thành phố lớn như Vientiane.

Ngoài ra, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và Thái Lan. Hiện Lào đặc biệt ưa chuộng hàng hóa từ Thái Lan do thị trường này đã xâm nhập vào Lào từ lâu. Bên cạnh đó, do thị hiếu và thói quen tiêu dùng, người Lào có xu hướng sử dụng đồ tươi sống nhưng do khoảng cách địa lý, hàng hóa của Việt Nam sang Vientiane phải mất một vài ngày.

Trong khi đó, Thái Lan vận chuyển sang thủ đô Lào chỉ mất một hoặc hơn một ngày. Vị trí địa lý xa hơn đã tác động lên giá vận chuyển, điều đó khiến giá cả của hàng Việt cũng tăng nhiều hơn.

Trong khi đó, từ cuối năm 2021, Trung Quốc và Lào đã đưa vào hoạt động tuyến đường sắt nối liền 2 quốc gia. Chính vì vậy, chi phí vận chuyển và thời gian xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc vào thị trường này cũng giảm đi đáng kể.

Ngoài yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan trong vấn đề truyền thông thương hiệu Việt tại Lào cũng chưa thực sự tốt. Hiện hàng hóa của doanh nghiệp Việt mới chỉ được phân phối trong các cửa hàng nhỏ lẻ tại Lào. Mặc dù vậy, ngay trong chuỗi siêu thị hàng Việt – Vinmart tại Lào lại chủ yếu bày bán hàng Thái Lan để có thể tồn tại và phát triển chuỗi.

Ở chiều ngược lại, hàng hóa Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Lào không quá đa dạng, chủ yếu là một số mặt hàng nông sản, nguyên phụ liệu. Trong số các mặt hàng nhập khẩu từ Lào, cao su là mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam năm 2021 đạt 185 triệu USD.

Kế tiếp là gỗ và sản phẩm gỗ đạt 107 triệu USD. Đối với quặng và khoáng sản, phân bón cũng có mức kim ngạch tương đối cao so với các mặt hàng nhập khẩu, đạt lần lượt 87 triệu USD và 61 triệu USD vào năm 2021 (trong khi 2013 mới chỉ đạt 27 triệu USD và 26 triệu USD).

Nhìn chung, các mặt hàng nhập khẩu từ Lào giai đoạn 2013 - 2021 có sự tăng trưởng không đồng đều. Trong đó, đối với nông sản, nhập khẩu ngô và gỗ đã giảm lần lượt 91% và 76%. Đặc biệt, gỗ và sản phẩm gỗ bắt đầu giảm nhập khẩu từ năm 2014 với kim ngạch 596 triệu USD, đến năm 2018 chỉ còn 33 triệu USD.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, thương mại song phương giữa Việt Nam – Lào đạt 947 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Lào đạt 362 triệu USD, giảm 1,6%; ngược lại nhập khẩu từ Lào tăng 48%, đạt 585 triệu USD.

Trong thương mại hai chiều với ASEAN, Lào hiện là thị trường đứng thứ 7, chiếm 7,6% thị phần tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang khối.

Xuất khẩu xăng dầu tăng gần 300%

Trong các tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Lào hầu như đều ghi nhận giảm. Trong đó, mặt hàng bánh kẹo và cà phê có mức giảm lớn nhất, lần lượt 59,5% và 50%. Ngược lại, hàng rau quả lại tăng hơn 96% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 25,4 triệu USD.

Diễn ra biến tăng trưởng nông sản và thực phẩm trên diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Lào đưa ra chính sách hạn chế nhập khẩu trong tháng 2/2022 đối với một số sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản.

Chính sách này đưa ra trong bối cảnh Lào muốn thúc đẩy tăng gia, sản xuất các loại vật nuôi, cây trồng trong nước; đồng thời tăng cường phát triển hàng hóa nội địa, góp phần phát triển kinh tế quốc gia, tăng thu nhập cho người dân.

Các sản phẩm nằm trong danh sách hạn chế nhập khẩu của Lào bao gồm các loại rau củ, quả; cải bắp, tỏi, hành, tiêu, xà lách, bắp cải trắng; thủy sản… Các mặt hàng thủy sản cũng có thể được phép nhập khẩu nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về quản lý. Hạn ngạch nhập khẩu sẽ được phân bổ cho các địa phương theo định kỳ, dựa trên nhu cầu thực tế.

Đối với mặt hàng xăng dầu, đây là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất với mức 294%. Ngoài yếu tố giá xăng dầu thế giới biến động thời gian qua, việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng tại Lào cũng tác động lên sự tăng trưởng trên.

Tăng nhập khẩu nguyên liệu nông nghiệp từ Lào

Trong khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Lào ghi nhận đà giảm thì nhập khẩu các mặt hàng chính từ thị trường này lại tăng. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 7 mặt hàng chính từ Lào. Cụ thể, cao su là mặt hàng có mức kim ngạch lớn nhất, đạt 130,3 triệu USD; tiếp theo là gỗ và sản phẩm gỗ đạt 87 triệu USD; quặng và khoáng sản đạt 57,9 triệu USD; phân bón đạt 48,5 triệu USD. Các mặt hàng còn lại có mức kim ngạch tương đối thấp, chỉ từ 0,1 triệu USD đến 4,8 triệu USD.

Trong số 7 mặt hàng chính, ngô là mặt hàng có mức tăng trưởng lớn nhất, đạt 100%. Nếu cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận lượng nhập khẩu từ ngô, cả năm 2021 chỉ nhập khẩu 0,5 triệu USD mặt hàng ngô từ Lào thì chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ngô đã tăng lên mức 4,2 triệu USD.

Sau ngô, phân bón tăng hơn 98% so với cùng kỳ năm 2021 mặc dù lượng nhập khẩu giảm (năm 2021 nhập 112.022 tấn, năm 2022 nhập 83.829 tấn), điều này phần lớn do biến động giá cả lên cao của thị trường phân bón thời gian qua.

Ngoài mối quan hệ thương mại, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 3 trong tổng số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Lào. Thống kê cho thấy Lào luôn đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 209 dự án có tổng vốn đăng ký 5,1 tỷ USD.

Phía Việt Nam và Lào hiện đã tiếp tục triển khai phổ biến, hướng dẫn tổ chức thực hiện các văn kiện như Hiệp định Thương mại Biên giới Việt Nam - Lào; hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào; bản Ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ hai nước.

Thông qua các biên bản ghi nhớ và các hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sẽ phát triển thương mại giữa Việt Nam - Lào trong năm 2022 cũng như các năm sau này.

Tin liên quan

Đọc tiếp