Quý 1 chỉ đạt 1% mục tiêu lợi nhuận năm, Bamboo Capital có tiếp tục 'vỡ kế hoạch'?

BCG Bamboo Capital
11:13 - 10/05/2023
Dự án Hội An d'OR do Công ty TNHH Du lịch Sinh thái Cồn Bắp (thuộc Bamboo Capital) làm chủ đầu tư. Ảnh: BCG
Dự án Hội An d'OR do Công ty TNHH Du lịch Sinh thái Cồn Bắp (thuộc Bamboo Capital) làm chủ đầu tư. Ảnh: BCG
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, BCG bất ngờ lên kế hoạch lợi nhuận năm tham vọng 650 tỷ đồng. Tuy nhiên hết quý 1, tập đoàn đa ngành này mới chỉ thực hiện vỏn vẹn hơn 1% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Trước tình hình lạm phát, lãi suất cao và thị trường bất động sản gặp khó khăn, các dự báo đa phần đều cho rằng 2023 sẽ là một năm đầy thách thức với các doanh nghiệp, nhất là những công ty liên quan đến lĩnh vực địa ốc, sử dụng đòn bẩy tài chính cao.

Là một trong các doanh nghiệp như vậy nhưng CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG) vẫn đặt một kế hoạch kinh doanh tham vọng cho năm 2023. Doanh nghiệp do ông Nguyễn Hồ Nam dẫn dắt hướng tới mục tiêu doanh thu gần 6.925 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 650 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 20% so với năm trước. Cổ tức dự kiến 5%.

Trong khi mảng năng lượng tạm thời chững lại để chờ chính sách, công ty cho biết sẽ đẩy mạnh mảng xây dựng hạ tầng để tận dụng xu hướng đầu tư công đang được thúc đẩy, thông qua công ty thành viên Tracodi (mã TCD).

Mục tiêu cao là vậy nhưng hết 3 tháng đầu năm, Bamboo Capital mới đi được một đoạn rất ngắn của chặng đường. Báo cáo tài chính quý 1/2023 cho thấy, công ty mang về mức doanh thu hơn 726 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, mảng xây dựng hạ tầng đóng góp 314 tỷ đồng, giảm 30%; mảng năng lượng tái tạo đóng góp 245 tỷ đồng, tăng 17%; mảng bất động sản đóng góp 8,7 tỷ đồng, giảm 98%; mảng tài chính – bảo hiểm đóng góp 79 tỷ đồng, tăng 68%.

Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu giảm chủ yếu do mảng xây dựng không có nhiều hoạt động trong thời điểm thị trường không thuận lợi. Thị trường bất động sản đóng băng và tình hình lãi suất tăng cao khiến cho hoạt động trong lĩnh vực M&A của tập đoàn gặp khó khăn. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, hoạt động M&A ghi nhận lợi nhuận cao nhờ đóng góp lớn từ thương vụ chuyển nhượng dự án khách sạn Pegas Nha Trang.

Trong quý 1, doanh thu hoạt động tài chính của BCG đạt 484 tỷ đồng, phần lớn đến từ lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư (367 tỷ), giảm 33% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính lại tăng 18% so với cùng kỳ, lên 546 tỷ đồng do lãi suất duy trì mức cao.

Sau khi trừ chi phí, BCG lãi ròng 8,8 tỷ đồng, giảm đến 98% so với cùng kỳ. So với kế hoạch đề ra, tập đoàn này mới thực hiện vỏn vẹn hơn 1% mục tiêu lợi nhuận năm.

Năm 2022, Bamboo Capital cũng đặt mục tiêu cao ngất ngưởng với doanh thu 7.251 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.200 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ thực hiện 62% và 25% kế hoạch đề ra. Vì thế, sẽ không bất ngờ nếu BCG của Chủ tịch Hồ Nam tiếp tục vỡ kế hoạch trong năm nay.

Giảm tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu

Tổng tài sản của Bamboo Capital trong 3 tháng đầu năm có sự tăng trưởng nhẹ lên xấp xỉ 46.300 tỷ đồng, tăng 5,6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho của công ty tăng mạnh lên xấp xỉ 4.300 tỷ đồng, tăng tương ứng 54% so với đầu năm, đến từ lượng hàng tồn kho của các dự án bất động sản.

Tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/03/2023 là 2,2 lần, ở mức 31.876 tỷ đồng, gần như được giữ nguyên so với thời điểm đầu năm. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu giảm nhẹ về mức 1,04 lần, ở mức 14.980 tỷ đồng (thời điểm đầu năm là 1,07 lần).

Điểm tích cực là từ cuối năm 2020 đến nay, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Bamboo Capital liên tục giảm. Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 28/4 vừa qua, ông Phạm Minh Tuấn – Tổng giám đốc BCG cho biết, BCG là tập đoàn đầu tư, với chiến lược từ 2019-2026 sẽ tập trung tăng trưởng, mở rộng đầu tư, mua và sáp nhập lớn các dự án nên dòng tiền âm là điều dễ hiểu.

“Giai đoạn 2019-2020, tập đoàn đầu tư lớn, tài sản tăng cao, nợ cao nên giai đoạn 2020-2021 chúng tôi đã thay đổi chiến lược, giảm nợ qua tăng vốn, tìm kiếm dự án có lợi nhuận cao để mang lại lợi nhuận lớn. Năm 2022, tỷ lệ nợ/vốn sở hữu đã giảm về ngưỡng chấp nhận được. Hơn nữa, tất cả các khoản nợ của BCG đều nằm trong dự án, đảm bảo công nợ”, ông Tuấn nói.

Chia sẻ thêm về hệ số nợ vay, ông Nguyễn Hồ Nam lý giải, BCG hoạt động theo mô hình holdings. Thực chất, phần nợ của công ty mẹ BCG rất thấp, chỉ gần 500 tỷ qua trái phiếu. Còn nợ trên báo cáo tài chính hợp nhất (54 đơn vị, thành viên liên kết) là nợ dự án, bình diện chung đang cân đối. 4 năm trước, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của BCG khoảng 4-5 lần do tập trung tăng trưởng tài sản nhưng đã giảm dần và hiện còn 1,04. Mục tiêu của tập đoàn là tiếp tục nâng cao năng lực vốn để giảm tỷ lệ này về dưới 1.

Tin liên quan

Đọc tiếp