80% lượng vàng toàn cầu được giữ bởi Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính của 25 quốc gia. Ảnh: Getty Images |
Theo Kitco, các chuyên gia quản lý quỹ VanEck – quỹ đầu tư vàng hàng đầu thế giới – đã xem xét tới tác động của một trật tự tài chính mới lên thị trường tài chính chung của toàn cầu. Trong bối cảnh các quốc gia đều đang hướng tới đa dạng hóa lượng nắm giữ các loại tài sản dự trữ, các xu hướng thị trường hiện hữu khiến các chuyên gia Natalia Gurushina và Eric Fine từ quỹ đầu tư này đi tới những kết luận đặc biệt tham vọng. Cụ thể, theo viễn cảnh này, giá vàng lẫn bitcoin đều sẽ có sự gia tăng rất lớn.
Trong báo cáo của mình, các chuyên gia phân tích nhận định điểm mấu chốt chính là đà tăng gây ấn tượng mạnh của cả vàng và bitcoin. Theo khung ước tính giá cả của báo cáo này, giá của kim loại quý chuyên dùng trong dự trữ có thể leo tới mức 31.000 USD / ounce trong khi giá của đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới bitcoin có thể tăng vọt tới ngưỡng 1,3 triệu USD cho một đồng. Trong khi ghi nhận tại thời điểm 9h sáng nay 8/4, giá vàng niêm yết tại Kitco là 1.933 USD/ ounce.
Bổ sung vào dự đoán của mình, các chuyên gia Gurushina và Fine nhận định rằng do đây là lần đầu tiên trong lịch sử một cường quốc phải chịu các lệnh trừng phạt, trật tự thế giới đang xảy ra những sự thay đổi lớn. Những thay đổi đó cùng những tác động của chúng vì vậy đều cần được định lượng và phân tích kĩ càng nếu thế giới sẽ bắt đầu quen thuộc dần với mô hình này.
Các kịch bản giá vàng và bitcoin của VanEck được phát triển dựa trên những so sánh của lượng vàng dự trữ hiện tại với nguồn cung tiền tệ toàn cầu là M0 và M2. Theo các định nghĩa hiện tại, nguồn cung M0 sẽ chỉ lượng tiền tệ có trong tay công chúng trong khi M2 chỉ các dạng tiền có tính thanh khoản cao nhất cùng tổng số tiền được gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Đối với các dự đoán cho bitcoin, các chuyên gia từ VanEck cũng sử dụng các tính toán tương tự dựa trên nguồn cung tiền toàn cầu M0. Kết quả cho thấy giá một đồng bitcoin sẽ nhảy tới mức 1,3 triệu USD so với ngưỡng 43.000 USD của hiện tại. Trong khi đó nếu đưa ra các tính toán dựa trên nguồn cung tiền M2, giá còn có thể tăng tới 4,8 triệu USD.
Mặt khác, trong khi các ngân hàng trung ương như Nga có trữ lượng vàng dự trữ thuộc top đầu trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương khác không hề giữ vàng trong kho của mình. Xét trên cơ sở từng quốc gia, hai chuyên gia này nhận định Nhật Bản sẽ dẫn đầu viễn cảnh này khi có rất nhiều tiền nhưng lại rất ít vàng. Vương quốc Anh là một thị trường phát triển khác có dự trữ vàng rất thấp so với các khoản nợ bằng tiền. Ngoài hai nước này, lượng dự trữ vàng của Trung Quốc cũng thấp hơn so với các khoản nợ bằng tiền của nước này.
Thêm vào đó, nếu bitcoin tăng giá quá cao so với vàng, các ngân hàng trung ương có thể chuyển sang xu hướng sử dụng vàng hơn là đồng tiền kỹ thuật số này do tính ổn định cao hơn. Vì vậy, giá vàng tại Nhật Bản có thể bị đẩy lên tới gần 200.000 USD/ 1 ounce trong khi với Vương quốc Anh, dự đoán này ngụ ý ngưỡng tăng 133.000 USD / 1 ounce.
Tuy nhiên, hai nhà kinh tế học Gurushina và Fine cũng nhấn mạnh nhiều lần trong báo cáo rằng các triển vọng này dựa trên các kịch bản “cực đoan” với mục đích thiết lập một điểm xuất phát và thảo luận về sự tiến hóa của hệ thống tiền tệ dự trữ. Do đó, các xác suất sẽ cần được cân nhắc kỹ càng so với dự báo này.
Ví dụ, nếu một nhà đầu tư nhìn thấy 10% vàng trở thành tài sản dự trữ, mức giá dự đoán 31.000 USD cho 1 ounce của VanEck sẽ đại diện cho mức giá mục tiêu là 3.100 USD và đây vẫn được coi như một mức tăng hấp dẫn.