Cổ phiếu ROS đã giảm giá sâu trước khi bị đình chỉ giao dịch. |
Cụ thể, theo quyết định của HoSE, ngày hủy niêm yết có hiệu lực là 5/9/2022. Giá trị hủy niêm yết theo mệnh giá là gần 5.676 tỷ đồng.
Cổ phiếu ROS đã bị đình chỉ giao dịch từ ngày 12/8 do tiếp tục vi phạm công bố thông tin sau khi bị hạn chế giao dịch. Giá đóng cửa phiên gần nhất (11/8) là 2.510 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa hơn 1.400 tỷ đồng.
Theo HoSE, lý do ROS bị huỷ niêm yết là do FLC Faros đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HoSE hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Trước đó, HoSE đã ra công văn cảnh báo FLC Faros về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu ROS. Dựa vào báo cáo giải trình của FLC Faros, HoSE cho rằng doanh nghiệp này khó có thể công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 đúng hạn chót 29/8/2022.
Ngoài ra, đến thời điểm này, FLC Faros vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021, báo cáo thường niên 2021, báo cáo tài chính quý I và quý II/2022. Đồng thời, công ty chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022, chưa có đủ số thành viên hội đồng quản trị tối thiểu, chưa có người đại diện theo pháp luật.
Như vậy, FLC Faros đang vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin và quản trị công ty, cổ phiếu rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020 NĐ-CP.
Lên đỉnh cao rồi về vực sâu
ROS giao dịch trên sàn HoSE từ ngày 1/9/2016 với mức giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu. Sau đó không lâu, mã này đã trở thành một hiện tượng trên sàn khi nhanh chóng tạo hình biểu đồ dựng đứng. Cuối năm 2017, giá cổ phiếu ROS đạt đỉnh 214.000 đồng/cổ phiếu, kéo theo vốn hóa thị trường FLC Faros tăng lên 101.200 tỷ đồng. Đây cũng là năm công ty đạt kết quả kinh doanh tốt nhất với hơn 800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tại thời điểm đó, ROS luôn nằm trong top 10 mã chứng khoán có giá trị cao nhất trên sàn, bên cạnh các ông lớn như SAB (Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn), VCS (Công ty cổ phần Vicostone)… Tính thanh khoản trong mỗi phiên giao dịch cao đến hàng triệu đơn vị với vài trăm tỷ đồng mỗi phiên, ROS nhanh chóng lọt vào các rổ chỉ số quan trọng như VNM ETF, MSCI Frontier Markets Indexes… Đây cũng là mã cổ phiếu giúp cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết vươn lên trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán lúc bấy giờ.
Nhưng thời kỳ đỉnh cao cũng không giữ được lâu, sang năm 2018, ROS liên tục lao dốc từ mức 178.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 36.150 đồng. Với mức giảm hơn 80% này, mã không còn trong nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên thị trường.
Chưa dừng lại ở đó, sang năm 2019-2020, ROS vẫn tiếp tục miệt mài giảm và có nguyên một giai đoạn năm 2020 giao dịch ở “mức giá trà đá” (2.000 đồng). Sang năm 2021, cổ phiếu này mới bật tăng trở lại và từng leo lên vùng 16.000 đồng vào đầu năm 2022.
Sau vụ việc thao túng chứng khoán của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị phanh phui, cùng với nhóm cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC, ROS cũng bị bán tháo. Cùng với đó, sự biến động lãnh đạo khiến công ty không thể đảm bảo nghĩa vụ công bố thông tin khiến cổ phiếu bị cảnh cáo, kiểm soát, hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch và cuối cùng là huỷ niêm yết.
ROS là một trong những cổ phiếu trượt giá mạnh nhất trên sàn. |
Cụ thể, theo FLC Faros, báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Tuy nhiên, FLC Faros chưa thể phát hành báo cáo tài chính quý 2 theo đúng thời hạn do chưa được Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật.
Người đại diện cũ của FLC Faros là Chủ tịch HĐQT Hương Trần Kiều Dung. Bà này đang bị tạm giam để phục vụ điều tra về vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC và Công ty cổ phần Chứng khoán BOS. FLC Faros đã bầu bà Nguyễn Bình Phương làm Chủ tịch mới, đồng thời làm các thủ tục với cơ quan Nhà nước để bà Phương được chính thức công nhận là người đại diện theo pháp luật.
Nếu công ty bị hủy niêm yết thì các cổ đông nhỏ sẽ bị thiệt hại lớn, do rất khó chuyển số cổ phiếu đang nắm giữ thành tiền mặt. Để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông, doanh nghiệp phải mua lại cổ phiếu đó. Trong trường hợp doanh nghiệp không mua, thì UBCKNN yêu cầu chuyển cổ phiếu sang giao dịch trên sàn UPCoM (sàn giao dịch không chính thức hay sàn thứ cấp) để nhà đầu tư có thể tiếp tục mua bán cổ phiếu tại đây.