Sếp các ngân hàng lớn hiến kế cho TTCK Việt Nam

Vốn CHỨNG KHOÁN
15:04 - 28/02/2024
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội MB - Ảnh: VGP
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội MB - Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch MB Bank nêu ra 4 kiến nghị xung quanh mục tiêu nâng hạng, tăng chất lượng hàng hóa trên TTCK trong khi Tổng giám đốc BIDV bàn về giải pháp thúc đẩy tài chính xanh, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 sáng 28/2, tham luận về chủ đề "Thúc đẩy TTCK phát triển theo chiều sâu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp", Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội MB, ông Lưu Trung Thái nêu ra 4 vấn đề kiến nghị.

Cần tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp niêm yết

Vấn đề thứ nhất là tăng quy mô của thị trường. Hiện nay quy mô của TTCK ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 56 - 58% GDP. Soi chiếu vào TTCK Việt Nam mới chỉ ở mức khá. Do đó, vấn đề đầu tiên là tăng được quy mô của thị trường.

Thứ hai là cần tăng số lượng hàng hoá, tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp tham gia niêm yết. Vấn đề thứ ba là tăng số lượng và chất lượng của ngân hàng đầu tư trên thị trường thông qua hàng loạt giải pháp.

Cuối cùng, nâng cấp được các hệ thống giao dịch và khuôn khổ pháp lý để thu hút nhà đầu tư.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch của MB khuyến nghị: Nên tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, để tăng sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, minh bạch thông tin, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp tiềm năng tham gia TTCK.

Ông Thái cũng đề nghị nên áp dụng các chuẩn mực quốc tế và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các doanh nghiệp niêm yết để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn. Như báo cáo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, năm qua số lượng giá trị tăng mới của giá trị niêm yết khoảng 56.000 tỷ đồng. Số lượng này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ hai, Chủ tịch MB kiến nghị, để tiến tới nâng hạng thị trường, thì chất lượng hàng hóa là yếu tố quan trọng. Khi chất lượng thị trường tốt, giá trị cao thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến để tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Do đó, MB kiến nghị kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến sở hữu nước ngoài.

Thứ ba, tăng cường ứng dụng về công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý và giám sát. Nghiên cứu các hệ thống triển khai giám sát tự động, kết nối với hệ thống dữ liệu và các cơ quan như thuế, cơ quan giám sát của ngân hàng và giám sát tài chính quốc gia, tăng khả năng giám sát và chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường.

Cuối cùng, cung cấp hệ thống công nghệ và dữ liệu để tăng khả năng số hóa, để nhà đầu tư và công chúng tiết kiệm thời gian khi xử lý thời gian phát hành, thời gian đầu tư.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV - Ảnh: VGP
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV - Ảnh: VGP

Trái phiếu xanh - động lực tăng trưởng bền vững

Cũng từ góc nhìn ngân hàng, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bày tỏ quan tâm nhiều tới các giải pháp đầu tư cho tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và tài chính xanh.

Trích dẫn ước tính của Ngân hàng Thế giới, ông Lê Ngọc Lâm nói, nhu cầu vốn cần cho phát triển xanh tại Việt Nam trong giai đoạn các năm 2022 - 2040 lên tới khoảng 368 tỷ USD. Trên thế giới, trái phiếu xanh đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư cho tăng trưởng bền vững. Tại các quốc gia đã thành công trong chuyển đổi và tăng trưởng xanh tại khu vực châu Âu, tỷ trọng phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS) chiếm đến 50 - 60% tổng quy mô tài chính xanh. Tỷ trọng này tại khu vực châu Á cũng đã đạt khoảng 30-35%.

Tuy nhiên, BIDV nhận thấy hiện chưa có các cơ chế, chính sách tạo động lực rõ nét cho doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh, ông Lâm nói trong phần tham luận của mình tại hội nghị.

Trong thời gian tới, để khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu xanh, thông qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư cho Việt Nam, BIDV đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh bao gồm: Quy định phân loại và xác nhận dự án xanh quốc gia để áp dụng các chính sách khuyến khích, cần xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế.

Điều này giúp thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc triển khai dự án, thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo cùng hệ quy chuẩn, ông Lâm nói.

Ngoài ra, xem xét quy định các tiêu chí xanh bao gồm các cấp độ tương ứng với các mức độ ưu đãi về chính sách khác nhau. Khi đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh có thể tiếp cận dần với các chính sách ưu đãi cũng như tạo lập được các mục tiêu/động lực để đạt tới sự tăng trưởng bền vững.

Đồng thời, ban hành các hướng dẫn cho hoạt động phát hành và báo cáo sau phát hành trái phiếu xanh, trong đó xem xét đến các quy định đặc thù giữa hoạt động của tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế.

Thứ hai, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh và phát hành trái phiếu xanh thông qua việc tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh như hỗ trợ chi phí phát hành, ưu đãi thuế…

Đẩy mạnh việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về môi trường; Thúc đẩy công tác tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh.

Thứ ba, khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư trái phiếu xanh, xem xét ban hành các chính sách ưu đãi đủ lớn để khuyến khích nhà đầu tư mua trái phiếu (ví dụ ưu đãi về hạn mức tín dụng, thuế đánh trên lợi suất đầu tư…). Đồng thời, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của nhà đầu tư đối với phát triển bền vững, cộng đồng và xã hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.