Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Ảnh: Hà Anh. |
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có độ phủ Internet cao. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 78,59%, vượt mục tiêu 76% của kế hoạch năm 2023 đề ra trước đó.
Thời gian qua, các doanh nghiệp Internet Việt Nam đã thích ứng và không ngừng lớn mạnh, chuyển đổi mô hình kinh doanh. Internet đã chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng số của nền kinh tế số, hạ tầng của mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả tích cực, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong thời đại số hiện nay, trên môi trường Internet cũng dễ xảy ra các hành vi tiêu cực, lan truyền nhanh nên cần có cơ chế kiểm soát.
"Pháp luật quản lý lĩnh vực này rất cần thiết nhưng quan trọng là phải quản lý như thế nào. Bởi nếu quản lý không khéo hoặc quá chặt sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế số, chuyển đổi số hiện nay. Trong khi đó, công nghiệp nội dung số thời gian qua phát triển nhanh, cho ra đời nhiều sản phẩm giá trị, có khả năng xuất khẩu cao".
Do đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được xem là tiền đề trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh mới.
Xác thực tài khoản mạng xã hội: Cần thiết nhưng phải tăng tính bảo mật
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung quy định người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, trên thực tế, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng nên quy định này sẽ đảm bảo hiệu quả quản lý mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dùng mạng xã hội khi đăng tải nội dung thông tin lên mạng.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo thấy cần thiết bổ sung quy định mạng xã hội trong và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam phải xác thực tài khoản người dùng thông qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội.
"Hơn nữa, quy định này có tính khả thi khi hiện nay đa phần các mạng xã hội trong và ngoài nước đều đã yêu cầu xác thực bằng số điện thoại người dùng. Việc bổ sung quy định sẽ cụ thể hoá hình thức này và tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng đối với cả mạng xã hội trong và ngoài nước".
Đồng tình, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) của Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, việc xác thực tài khoản mạng xã hội sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng. Đồng thời người dùng sẽ có trách nhiệm hơn khi cung cấp thông tin, phát ngôn, đăng tải hay bình luận của mình trên không gian mạng. Việc này nhằm ngăn chặn nạn lừa đảo, tin giả, bôi nhọ, xúc phạm tổ chức, cá nhân.
"Nếu quy định này có hiệu lực sẽ tác động lên các mạng xã hội khi bắt buộc phải xác thực người dùng ở mức độ cao hơn, nâng cấp bảo mật. Điều này có thể khiến số lượng người dùng sụt giảm nhưng đổi lại sẽ có một không gian mạng lành mạnh, trong sạch hơn", Viện trưởng IPS chia sẻ.
Khi tài khoản được xác thực chính chủ, nếu chẳng may bị tấn công, người dùng có thể đưa giấy tờ chứng minh để lấy lại tài khoản, có thể yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ xử lý các tài khoản khác mạo danh mình thay vì đa số hiện nay người dùng phải lập tài khoản mới.
Về phía người dùng, ông Phạm Thành Lê, Quản trị viên của cộng đồng ô tô, xe máy Otofun bày tỏ quan điểm, ông tán thành với đề xuất xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho không gian mạng và sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên nếu người dùng chỉ được xác thực tài khoản qua số điện thoại tại Việt Nam như theo dự thảo có thể sẽ khó cho những tài khoản nước ngoài hay người Việt Nam ở nước ngoài khi muốn tham gia vào các cộng đồng bởi họ không có số điện thoại di động tại Việt Nam. Theo ông Thành Lê, dự thảo nên mở rộng phạm vi đối với quy định này, bên cạnh số điện thoại, người dùng có thể xác thực tài khoản bằng hình thức e-mail.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, việc định danh tài khoản mạng xã hội đặt ra nhằm bảo vệ quyền sở hữu và lợi ích của người dùng mạng xã hội. Quy trình này đòi hỏi phải cung cấp những thông tin cá nhân như số điện thoại, họ tên thật, số căn cước công dân...Việc này có thể dẫn đến nguy cơ lộ lọt thông tin dữ liệu người dùng ngay chính tài khoản của mình, chưa kể khả năng dữ liệu cá nhân còn bị mua bán, gây mất an toàn cho người dùng.
Hơn nữa, ông Thành nêu ý kiến, việc xác thực định danh như ngân hàng hay các tổ chức tài chính là vấn đề không đơn giản với mạng xã hội bởi các nền tảng xuyên biên giới này phục vụ người dùng trên toàn cầu, do đó rất khó để các nền tảng này tuân theo một quy định riêng.
Do đó, ông Vũ Tú Thành kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và điều chỉnh quy định trên sao cho hợp lý để vừa đảm bảo lợi ích cho cả người sử dụng và doanh nghiệp, vừa nâng cao tính hiệu quả cho cơ quan quản lý.
Cần một bộ quy định toàn diện về nền tảng số
Ông Nguyễn Quang Duy, đại diện công ty chuyên sản xuất nội dung cho trẻ em trên môi trường số Sconnect Việt Nam đã nêu lên những vấn đề mà ông thấy cần có giải pháp để giải quyết.
Thị trường nội dung số Việt Nam đang bị thống trị bởi các nền tảng xuyên biên giới. Trong khi đó, dự thảo Nghị định lại chưa thấy đề cập đến nền tảng số mà lại dành hẳn một mục quy định về mạng xã hội, trong khi mạng xã hội chỉ là một phần cấu thành của nền tảng số, chưa bao quát được khi nền tảng số có những tính năng như chia sẻ video, chia sẻ ứng dụng.
Cùng với đó vẫn còn tình trạng các ứng dụng trái phép xuất hiện tràn lan trên các nền tảng số Việt Nam. Nhiều game không phép vẫn đang phát hành và thu hút người chơi tại Việt Nam. Cuối cùng là nạn đầu cơ về tên miền, nhóm, trang fanpage dựa trên danh tiếng của doanh nghiệp, người nổi tiếng.
Theo ông Nguyễn Quang Duy, cần có một bộ quy định toàn diện, thống nhất và cụ thể về nền tảng số. Những quy định này sẽ tạo ra sự ràng buộc đối với các nền tảng quốc tế, giúp bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và công dân Việt Nam một cách tốt hơn, đồng thời tránh tình trạng bảo hộ ngược.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013 dự kiến được trình Chính phủ trong tháng 10 năm nay.