Giao dịch diễn ra trong khoảng thời gian từ 5/2 - 4/3, theo hình thức khớp lệnh và thỏa thuận. Trong khoảng thời gian này, giá cổ phiếu dao động quanh vùng giá 24.000 đồng/cp, không có sự biến động quá nhiều và khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu cũng ở mức cao. Do đó, tạm tính theo mức giá kết phiên 5/3 (24.650 đồng/cp), SMC có thể thu về hơn 323 tỷ đồng.
Thương vụ này đã chấm dứt “mối lương duyên” kéo dài 7 năm giữa SMC và Nam Kim. Câu chuyện hợp tác giữa hai doanh nghiệp bắt đầu từ năm 2017, khi SMC mua vào 2 triệu cổ phiếu từ đợt phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu của Nam Kim trong năm này, để nắm giữ 1,54% vốn của Nam Kim. Theo lý giải từ phía SMC, đây là động thái để tăng cường quan hệ kinh doanh và đối tác chiến lược giữa hai hãng tôn thép này.
Tuy nhiên, đến năm 2019, sự hợp tác giữa hai doanh nghiệp mới trở nên rõ ràng hơn. Trong đó, SMC đã đưa 2 nhân sự vào ban quản trị của Nam Kim và mua vào 6,3 triệu cổ phiếu để nâng mức sở hữu tại Nam Kim lên 5%, chính thức trở thành cổ đông lớn.
Sau 7 năm nắm giữ, giá trị đầu tư của khoản cổ phiếu này đã tăng lên khá nhiều. Ảnh: TradingView |
Nếu xét trên giá trị đầu tư, sau 7 năm nắm giữ, giá trị đầu tư của khoản cổ phiếu này đã tăng lên khá nhiều, bởi thời điểm tháng 7 - tháng 8/2019, khi SMC mua vào 6,3 triệu cổ phiếu, cổ phiếu NKG đang giao dịch ở vùng giá rất thấp, dao động quanh mức khoảng 5.000 - 7.000 đồng/cp.
Khoản hơn 300 tỷ đồng thu về từ giao dịch lần này có thể hỗ trợ SMC vượt qua những khó khăn trong năm cũ. Trước đó, công ty cũng quyết định chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và tài sản gắn liền với đất tại SMC Tân Tạo 2 và SMC Bình Dương. Đây có lẽ là nỗ lực huy động thanh khoản của SMC khi kinh doanh khó khăn và nợ xấu vẫn ở mức cao.
Theo đó, quý 4/2023, SMC ghi nhận doanh thu thuần hơn 3,2121 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán kèm thông việc phải trích lập dự phòng nợ xấu 300 tỷ đồng đã khiến công ty lỗ sau thuế 333 tỷ đồng, cùng kỳ công ty cũng lỗ tới 554 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của SMC đạt 13.786 tỷ đồng, giảm một nửa so với kết quả thực hiện năm 2022. Giá vốn cao gần bằng Doanh thu và việc phải chịu chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 5,1 lần cùng kỳ, lên 631 tỷ đồng, chi phí tài chính gần 346 tỷ đồng đã khiến công ty lỗ sau thuế tới 919 tỷ đồng, cao hơn 40% so với mức lỗ 652 tỷ đồng của năm 2022.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, SMC đặt mục tiêu doanh thu bán hàng năm 2023 giảm 12,2% so với thực hiện năm 2022, đạt 20.350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt mức 150 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ kỷ lục gần 652 tỷ đồng. Như vậy, đến hết năm, công ty mới hoàn thành gần 68% kế hoạch doanh thu và thậm chí còn lỗ nặng hơn năm trước.
Theo giải trình của SMC, năm 2023 công ty tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thép giảm mạnh, nhất là trong tình hình ngành bất động sản đóng băng. Đồng thời giá thép nguyên liệu liên tục giảm khiến giá thép bán ra giảm so với năm 2022. Chi phí quản lý tăng mạnh do phải trích lập dự phòng; Chi phí tài chính cao do lãi vay và tỷ giá bất lợi cho doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023.