Số người thiệt mạng trong vụ đánh bom ở Pakistan tiếp tục tăng

Đánh bom Pakistan
21:31 - 31/01/2023
Quan chức bệnh viện Pakistan cho biết số người thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết vào nhà thờ Hồi giáo đã lên tới 92, trong khi ít nhất 170 người khác bị thương. Đây được xem là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất tại quốc gia Nam Á này.

Kẻ đánh bom liều chết đã tự cho nổ tung mình khi ở bên trong một nhà thờ Hồi giáo thuộc khu phức hợp "Vùng Đỏ” có an ninh nghiêm ngặt của thành phố Peshawar. Đây là nơi tập trung văn phòng cảnh sát và đơn vị chống khủng bố của Pakistan.

Hiện trường đổ nát bên trong nhà thờ Hồi giáo. Ảnh: AP

Hiện trường đổ nát bên trong nhà thờ Hồi giáo. Ảnh: AP

Các nhà chức trách nói họ không biết bằng cách nào kẻ đánh bom vào được khu vực được bảo vệ bởi một loạt trạm kiểm soát do cảnh sát và quân đội điều khiển. Nước này đang mở cuộc điều tra để tìm hiểu cách tên này vượt qua hàng rào an ninh chặt chẽ tại Peshawar và liệu có bất kỳ sự trợ giúp nào từ bên trong hay không.

Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp trong đống đổ nát. Ảnh: AP

Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp trong đống đổ nát. Ảnh: AP

Hãng tin Dawn của Pakistan dẫn lời cảnh sát trưởng Peshawar Muhammad Ijaz Khan cho biết hơn 90% nạn nhân là cảnh sát. Tại thời điểm quả bom phát nổ, khoảng 400 người đã tập trung tại nhà thờ để cầu nguyện.

Nói với Geo TV, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif cho biết kẻ đánh bom đang đứng ở hàng đầu tiên trong phòng cầu nguyện trước khi hắn kích nổ quả bom.

Ông Riaz Mahsud, một quan chức cấp cao của chính quyền địa phương, cho biết con số thương vong có thể sẽ tăng lên khi lực lượng cứu hộ tiếp tục đào bới và tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát. "Chúng tôi đã cắt ba xà chính của tòa nhà và tiếp tục nỗ lực tiến hành để cắt cái còn lại", ông nói.

Một nạn nhân được điều trị trong bệnh viện ở Peshawar. Ảnh: Reuters

Một nạn nhân được điều trị trong bệnh viện ở Peshawar. Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif đã lên án vụ đánh bom và ra lệnh cho các cơ quan chức năng đảm bảo điều trị y tế tốt nhất có thể cho các nạn nhân. Ông cũng tuyên bố sẽ có "hành động nghiêm khắc" chống lại những kẻ đứng sau vụ tấn công.

Vụ đánh bom xảy ra một ngày trước khi một phái đoàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đến Islamabad để bắt đầu các cuộc đàm phán về mở khóa tài trợ cho nền kinh tế của quốc gia Nam Á này, nơi đang chịu đựng một cuộc khủng hoảng tài chính.

Người nhà các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom. Ảnh: AP

Người nhà các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom. Ảnh: AP

Theo AP, ông Sarbakaf Mohmand, chỉ huy của lực lượng Taliban ở Pakistan, còn được gọi là Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP), ngày 30/1 đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công trong một bài đăng trên Twitter.

Nhưng vài giờ sau, người phát ngôn của TTP Mohammad Khurasani, đã từ chối trách nhiệm về vụ việc. "Tehreek-e-Taliban không liên quan gì đến cuộc tấn công này".

Người này cho biết chính sách của TTP không nhằm vào các nhà thờ Hồi giáo, chủng viện và địa điểm tôn giáo, đồng thời nói thêm rằng những người tham gia vào các hành vi như vậy có thể phải đối mặt với hành động trừng phạt theo chính sách của họ. Tuy nhiên, tuyên bố của người phát ngôn không đề cập đến lý do tại sao một chỉ huy TTP đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom.

Giới chức chưa ước tính còn bao nhiêu người bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Ảnh: Reuters

Giới chức chưa ước tính còn bao nhiêu người bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Afghanistan do Taliban điều hành cho biết họ "rất buồn khi biết rằng nhiều người đã thiệt mạng" ở Peshawar và lên án các cuộc tấn công nhằm vào các tín đồ là trái với giáo lý của đạo Hồi.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đang có chuyến thăm Trung Đông, đã gửi lời chia buồn trên Twitter, nói rằng vụ đánh bom ở Peshawar là một "cuộc tấn công khủng khiếp". "Khủng bố vì bất kỳ lý do gì, ở bất kỳ nơi nào, đều là không thể chấp nhận được", ông cho biết.

Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án mạnh mẽ vụ đánh bom này liều chết này. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết ông Guterres cũng gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và hi vọng những người bị thương nhanh chóng bình phục.

Ông Guterres đồng thời tái khẳng định sự đoàn kết của Liên Hợp Quốc với chính phủ và người dân Pakistan trong nỗ lực đối phó với chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Vụ đánh bom liều chết ngày 30/1 xảy ra một ngày trước khi một phái đoàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đến Islamabad để bắt đầu các cuộc đàm phán về mở khóa tài trợ cho nền kinh tế của Pakistan - nơi đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng tài chính.

Hồi tháng 3/2022, Peshawar đã xảy ra một vụ tấn công khủng bố tồi tệ, khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện một vụ đánh bom liều chết khiến ít nhất 58 người thiệt mạng trong buổi cầu nguyện ở một nhà thờ Hồi giáo Shi'ite.

Đọc tiếp