Ảnh minh họa. |
Trong báo cáo chiến lược vừa phát hành, SSI cho biết, thị trường chứng khoán biến động mạnh hơn trong những phiên đầu tháng 8 khi xuất hiện các biến số rủi ro mới như lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái khi các dữ liệu về sản xuất và thị trường lao động được công bố suy yếu; Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định nâng lãi suất cơ bản từ 0,1% lên 0,25%, tác động tiêu cực lên TTCK nước này; các tài sản rủi ro (trong đó có cổ phiếu) bị bán mạnh ở hầu hết các TTCK trên thế giới.
Với TTCK Việt Nam, SSI cho rằng một số chuyển biến về nền tảng cơ bản theo hướng tích cực có thể đã bị bỏ qua do yếu tố tâm lý chi phối. Cụ thể, ba yếu tố tích cực gồm: Rủi ro tỷ giá giảm dần khi đồng USD quay lại suy yếu; xu hướng phục hồi lợi nhuận theo quý vẫn tốt; định giá thị trường ở mức 11,27 lần trên P/E ước tính một năm sẽ về mức hấp dẫn hơn khi giá tiếp tục điều chỉnh.
Mùa kết quả kinh doanh quý 2/2024 đã khép lại với tăng trưởng tổng lợi nhuận trên sàn HoSE tiếp tục tăng trưởng 23,1% so với cùng kỳ (tăng trưởng ở quý 1/2024 là 4,8%) và tăng 17,5% so với quý trước. So với cùng kỳ, đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng đến từ các ngành như bán lẻ (tăng 32,2 lần), viễn thông (tăng 4,4 lần), tài nguyên cơ bản (tăng 326%), du lịch và giải trí (tăng 307%)…
Ngược lại, các ngành tiêu biểu chậm lại tăng trưởng là dịch vụ tài chính, hàng và dịch vụ công nghiệp. Riêng nhóm bất động sản quay lại ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương (tăng 19,5%), sau khi giảm 63,6% trong quý trước.
Cần theo sát tín hiệu suy thoái ở các nền kinh tế lớn
Mặc dù phân hóa trong từng ngành, SSI ghi nhận sự tích cực là các nhóm ngành có diễn biến mở rộng tăng trưởng so với quý 1 khá đồng đều, gồm ngân hàng, hàng không, hóa chất và bán lẻ. Sự phục ở ngành bán lẻ khá rõ nét với tốc độ tăng trưởng cải thiện nhiều so với quý trước, ghi nhận ở PNJ, MWG, FRT. Với ngành thực phẩm tiêu dùng, sự cải thiện đáng kể ở các doanh nghiệp đầu ngành là SAB, MSN và VNM.
Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các công ty niêm yết trên HoSE (% so với quý trước). Nguồn: SSI |
Theo SSI, các nhóm cổ phiếu như tiêu dùng, tài chính, công nghiệp, bất động sản đều đang có định giá ước tính một năm thấp hơn so với bình quân 5 năm. Nhóm công nghệ thông tin có định giá mở rộng trong thời gian gần đây nhưng vẫn được hỗ trợ tốt bởi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bền vững và bảng cân đối lành mạnh.
“Nếu kinh tế vẫn duy trì tích cực trong giai đoạn cuối năm sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết, là yếu tố hỗ trợ cho TTCK về dài hạn. Tuy nhiên, tín hiệu suy thoái ở các nền kinh tế lớn sẽ là yếu tố rủi ro cần được theo dõi sát bởi đây cũng sẽ là yếu tố rủi ro cho quá trình phục hồi của Việt Nam,” SSI nêu quan điểm.
Trong ngắn hạn, SSI cho rằng VN-Index có thể tạo sự cân bằng tại vùng hỗ trợ trung hạn 1.145- 1.550 điểm và phục hồi. Dù vậy, đà phục hồi mạnh chưa được đánh giá cao, và vùng 1.260 điểm có thể là vùng cản.
Lựa chọn cổ phiếu có dư địa mở rộng định giá
Với các yếu tố hỗ trợ cho TTCK bao gồm đà phục hồi tăng trưởng lợi nhuận và nền tảng định giá tốt, SSI khuyến nghị nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội ở các ngành/cổ phiếu còn dư địa mở rộng định giá và có các yếu tố hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm.
Trong đó, trọng tâm có thể là nhóm hàng tiêu dùng (thực phẩm, bán lẻ), nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp (các cổ phiếu cảng vận tải biển). Biến động thái quá do yếu tố tâm lý cũng sẽ tạo cơ hội tốt cho các nhóm cổ phiếu có lịch sử chi trả cổ tức tiền mặt ổn định, cũng như các nhóm cổ phiếu có bảng cân đối mạnh.
Với quan điểm trên, SSI thêm mới VNM của Vinamilk vào danh sách triển vọng, cùng với PNJ, HAH và DPR; đồng thời loại VHC, ACV và MSN.
Tăng trưởng dài hạn của TTCK bám sát tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Nguồn: SSI |
Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu quý 2/2024 đạt 16.700 tỷ đồng (tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái) -mức doanh thu quý cao nhất trong lịch sử. Theo SSI, tại thị trường nội địa, VNM ghi nhận thị phần tiếp tục tăng 1,2% trong quý vừa qua khi tăng trưởng hai chữ số từ các mặt hàng sữa chua uống, sữa đặc và sữa hạt, nhờ sự phục hồi của tiêu dùng, nỗ lực cải tiến sản phẩm và hiệu quả của marketing.
Biên lợi nhuận gộp hợp nhất quý 2/2024 của VNM mở rộng 2 điểm phần trăm lên 42,4%. Bên cạnh tăng trưởng doanh thu tăng tốc, việc chủ động điều chỉnh chính sách mua hàng để phù hợp với diễn biến giá nguyên liệu đã giúp công ty cải thiện chỉ số này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, biên lợi nhuận gộp của SSI đạt 42,2%, mở rộng hơn 2,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty sữa sẽ lần lượt đạt 64.000 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ) và 10.000 tỷ đồng (tăng 14%), cao hơn 0,4% và 1,5% so với dự báo trước đó.
Ngoài ra, cổ phiếu VNM không giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài và thanh khoản cao, do đó SSI cho rằng VNM sẽ được hưởng lợi khi FTSE Russell dự kiến nâng hạng thị trường Việt Nam.
Chuyên gia chỉ cách kiếm tiền ổn định từ thị trường chứng khoán và 'yên tâm đi ngủ' Vì ham mức lợi nhuận cao, nhiều nhà đầu tư đã phải trả giá đắt khi chạy theo những "cơn sóng" của thị trường chứng khoán. Theo chuyên gia, cách đầu tư an toàn và sinh lời bền vững chính là tích sản. |