Bức tranh được tìm thấy trong hang động ở Sulawesi, Indonesia miêu tả một con lợn lớn màu đỏ. Ảnh: Đại học Griffith qua AFP |
Theo hãng tin AFP, bức tranh có kích thước 92 cm x 38 cm, được phát hiện bên trong hang Leang Karampuang ở vùng Maros-Pangkep ở Nam Sulawesi, mô tả 3 người đứng xung quanh một con lợn rừng màu đỏ. Ngoài ra còn có những hình ảnh khác về con lợn trong hang. Vào thời điểm được phát hiện, bức tranh đang ở trong tình trạng không được bảo tồn tốt.
Các kết quả nghiên cứu sử dụng kỹ thuật laser cho thấy bức tranh này có niên đại khoảng 51.200 năm – phá vỡ kỷ lục năm 2019 trước đó cũng tại Indonesia của một bức tranh có niên đại được xác định vào khoảng 45.500 năm.
Ông Maxime Aubert, nhà khảo cổ học tại Đại học Griffith của Australia và là đồng tác giả của nghiên cứu, nhận định: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi vượt mốc 50.000 năm”, đồng thời khẳng định đây chính là “bằng chứng lâu đời nhất về cách con người kể chuyện”.
Trong khi đó, nhà khảo cổ học Adam Brumm của Đại học Griffith, một tác giả khác của nghiên cứu, cho biết “Sự đối lập của các hình ảnh được đặt cạnh nhau – cách chúng được định vị trong mối quan hệ với nhau và cách chúng tương tác – rõ ràng là có chủ ý và nó truyền tải một cảm giác hành động không thể nhầm lẫn. Rõ ràng là có điều gì đó đang xảy ra giữa những người trong tranh và một câu chuyện đang được kể”.
Ông Aubert bổ sung: “Tác phẩm nghệ thuật trên đá sớm nhất ở Sulawesi không hề ‘đơn giản’. Nó khá tiên tiến và thể hiện năng lực tinh thần của con người thời đó”. Các nhà nghiên cứu không có nhiều thông tin về tác giả của các bức tranh. Tuy nhiên, ông Aubert suy đoán những bức tranh có thể được vẽ bởi nhóm người đầu tiên di chuyển qua Đông Nam Á trước khi đến Australia khoảng 65.000 năm trước.
Hãng tin AFP dẫn lời ông cho biết: “Việc phát hiện ra nghệ thuật hang động rất cổ xưa ở Indonesia đã góp phần khẳng định quan điểm rằng Châu Âu không phải là nơi sản sinh ra nghệ thuật này như người ta vẫn tưởng từ lâu. Nó cũng gợi ý rằng kể chuyện là một phần lâu đời hơn nhiều trong lịch sử loài người nói chung và lịch sử nghệ thuật nói riêng so với những gì được công nhận trước đây”.
Ông cũng chia sẻ: “Có lẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi chúng tôi tìm thấy những bằng chứng lâu đời hơn”.
Ông Chris Stringer, nhà nhân chủng học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận định niên đại được đưa ra cho các tác phẩm nghệ thuật hang động của Indonesia là “khá khiêu khích” vì nó lâu đời hơn rất nhiều so với những gì được tìm thấy ở những nơi khác, kể cả ở châu Âu. Trước đây, một bức tượng “người sư tử” được tìm thấy ở Đức được xác định có niên đại khoảng 40.000 năm.
Ông Stringer nhận định với AFP rằng những phát hiện của nhóm nghiên cứu có vẻ hợp lý nhưng cần được xác nhận bằng cách xác định niên đại thêm. Ông chia sẻ: “Theo quan điểm của tôi, phát hiện này củng cố ý tưởng rằng nghệ thuật biểu đạt lần đầu tiên được sản xuất ở Châu Phi, trước 50.000 năm trước và khái niệm này đã trở nên phổ biến khi loài người di chuyển tới nhiều nơi khác”.
Tuy nhiên, “nếu điều này đúng thì nhiều bằng chứng hỗ trợ mới từ các khu vực khác bao gồm cả Châu Phi vẫn chưa xuất hiện,” ông nói.