Ảnh minh họa: T&T Group. |
Trong khuôn khổ hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Tĩnh ngày 28/5, lãnh đạo tỉnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỷ đồng.
Đồng thời trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 25 nhà đầu tư với các dự án về các lĩnh vực bất động sản - du lịch - nghỉ dưỡng, hạ tầng khu/cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, năng lượng - nước sạch, giáo dục, nông nghiệp…, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 219.000 tỷ đồng.
Trong các nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ hợp tác, Tập đoàn T&T chiếm giá trị vốn đăng ký lớn nhất, với 38.000 tỷ đồng. T&T muốn thực hiện 2 dự án: Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí tại bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam (25.000 tỷ đồng); Khu đô thị du lịch Xuân Trường - Xuân Hội (13.000 tỷ đồng).
Tập đoàn Vingroup cũng muốn đầu tư lớn vào Hà Tĩnh, với 2 dự án có tổng mức đầu tư đăng ký hơn 18.000 tỷ đồng, gồm: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu Hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng (13.200 tỷ đồng) và Dự án Khu nhà ở xã hội tại phường Kỳ Trinh (4.840 tỷ đồng).
Chủ tịch Quốc hội dự hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư Hà Tĩnh
Các doanh nghiệp lớn khác muốn rót vốn vào Hà Tĩnh là: Tập đoàn Crystal Bay với dự án Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City (16.019 tỷ đồng), Tập đoàn Ecopark với dự án Khu du lịch Xuân Đan – Xuân Phổ (10.000 tỷ đồng), CTCP Cá tầm Việt Nam với dự án Khu đô thị du lịch Kỳ Nam và nuôi cá tầm tại hồ Ngàn Trươi (4.500 tỷ đồng), CT Group với dự án Khu đô thị thông minh, cụm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kỳ Anh (5.350 tỷ đồng), Tổng Công ty Cơ điện Xây dựng - Agrimeco với loạt dự án năng lượng (23.579 tỷ đồng)...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo địa phương với các nhà đầu tư. Ảnh: Quochoi |
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Trọng Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Hà Tĩnh là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh; nằm trên trục giao thông Bắc - Nam; là cửa ngõ giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây với nhiều tiềm năng, lợi thế lớn.
Từ một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, nay Hà Tĩnh đã đứng trong nhóm các tỉnh khá của khu vực, được Thủ tướng Chính phủ chọn thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục tăng hạng qua từng năm. Hà Tĩnh là một trong 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước.
Tỉnh hiện có gần 1.500 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 454.000 tỷ đồng, tương đương hơn 18 tỷ USD. Trong đó, trong nước có 1.400 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 137.000 tỷ đồng, FDI có 68 dự án với tổng vốn đăng ký 16 tỷ USD, tương đương hơn 317.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới, những định hướng phát triển và thu hút đầu tư của Hà Tĩnh bao gồm: Lĩnh vực công nghiệp là các dự án hậu thép, cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng các khu - cụm công nghiệp; sản xuất điện; chế biến nông sản; dệt may...
Nhiều dự án Hà Tĩnh đang ưu tiên kêu gọi đầu tư như: Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam (Nghi Xuân); tổ hợp dự án đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh); khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam huyện Thạch Hà; khu đô thị mới Hàm Nghi; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo...
Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh với chủ đề “Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng, diễn ra sáng 28/5. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng, xác định tầm nhìn, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển, tạo cơ hội mới và giá trị mới cho sự phát triển của quốc gia, vùng, địa phương trong thời kỳ quy hoạch.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra là xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước.
Đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước.