Tăng trưởng kinh tế trông vào bứt phá đầu tư công

Tăng trưởng kinh tế trông vào bứt phá đầu tư công

KINH TẾ Việt nAM
14:21 - 12/04/2024
Chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam nhìn nhận, trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, đầu tư công sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024.

Mekong ASEAN: Tăng trưởng GDP quý 1/2024 của Việt Nam đạt mức 5,66%, theo ông, đâu là những yếu tố giúp kinh tế quý này tăng tốc?

Chuyên gia Nguyễn Bá Hùng: Quý đầu tiên của năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã tăng lên 5,7% so với mức 3,4% cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng tích cực. Trong đó xuất khẩu tăng 17%, cán cân thương mại thặng dư hơn 8 tỷ USD, đầu tư tăng 4,7%, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,93%.

Các khu vực của nền kinh tế cũng hồi phục tương đối tích cực: khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng gần 3%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, dịch vụ tăng 6,12%.

Sự phục hồi tăng trưởng tương đối toàn diện ở các ngành và lĩnh vực như công nghiệp chế biến, xuất khẩu, dịch vụ và nông nghiệp... sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hồi phục của nền kinh tế theo hướng khả thi hơn so với thời gian trước.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối cũng đang có diễn biến tích cực; thặng dư thương mại được duy trì, hỗ trợ tài khóa được tiếp tục và chương trình đầu tư công đáng kể cũng góp phần kích thích sự tăng trưởng.

Mekong ASEAN: Những yếu tố mới nào sẽ tác động đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2024, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Bá Hùng: Nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 với triển vọng "vừa lạc quan vừa thận trọng". Việt Nam hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng tương đối, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ nhưng cũng đối mặt với các rủi ro chủ yếu từ những bất ổn địa chính trị toàn cầu và nguy cơ dễ đổ vỡ của cấu trúc trong nước có thể cản trở tăng trưởng.

Nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ hạn chế sự phục hồi thương mại trong năm 2024. Tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi chậm hơn kỳ vọng, từ đó cũng có thể làm chậm quá trình phục hồi xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu và nhập khẩu dự báo sẽ tăng trưởng khiêm tốn ở mức 4%–4,5% trong năm nay và năm tới do nhu cầu bên ngoài đang dần phục hồi.

Về các rủi ro nội tại, tăng trưởng chậm lại làm gia tăng rủi ro về tính dễ đổ vỡ của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt do sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và doanh nghiệp FDI.

Thị trường vốn của Việt Nam còn non trẻ, dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng. Đồng thời, các yếu tố như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ảnh hưởng tới mùa màng, sản lượng nông nghiệp cũng sẽ có tác động tới tăng trưởng kinh tế trong khu vực và Việt Nam.

Nhìn về triển vọng, sự trở lại dần của các đơn hàng mới và tiêu dùng đã vực dậy tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vào cuối năm 2023, và đà tăng có xu hướng mạnh hơn trong năm 2024.

Lãi suất trong nước thấp, các biện pháp chính sách tài khóa và tăng lương sẽ thúc đẩy các dịch vụ tiêu dùng trong năm 2024. Hoạt động kinh tế phục hồi, dù chậm nhưng sẽ thúc đẩy các dịch vụ logistic, trong khi chính sách thị thực cởi mở hơn sẽ thúc đẩy du lịch. Về tổng thể, ngành dịch vụ được dự báo sẽ tăng trưởng 7,7% trong năm 2024.

Bối cảnh mới, chính sách tiền tệ Việt Nam sẽ chuyển trọng tâm theo đuổi mục tiêu kép là bình ổn giá và tăng trưởng, ngay cả khi không gian chính sách bị hạn chế. Lạm phát bình quân trong quý 1/2024 đã giảm còn 3,8% so với mức cao hơn 4,2% cùng kỳ năm ngoái. Song, lạm phát được dự báo tăng nhẹ lên tới 4% trong năm 2024 do những căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

SONG SONG CÁC BƯỚC TRIỂN KHAI ĐẦU TƯ CÔNG

Mekong ASEAN: Nhận định đầu tư công là một đầu tàu quan trọng của tăng trưởng kinh tế, ông nhìn nhận đâu sẽ là thách thức đối với việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công? ADB có khuyến nghị gì tăng tốc giải ngân vốn?

Chuyên gia Nguyễn Bá Hùng: Đầu tư công vẫn là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, và việc triển khai hiệu quả đầu tư công có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.

ADB đánh giá cao những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ, trong đó đặt ra yêu cầu khá cao là phải hoàn thành giải ngân 95% trong năm nay. Đây là hướng đúng vì đầu tư công là một đầu tàu quan trọng của tăng trưởng kinh tế, không chỉ thúc đẩy các hoạt động phục vụ cho dự án mà còn mang lại các tác động lan tỏa, giúp hoạt động kinh tế sôi động hơn sau khi công trình hoàn thành.

Tuy nhiên, vấn đề là cần hiện thực hóa các kế hoạch để đầu tàu này phát huy sức mạnh. Mặc dù Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi, nhưng vẫn cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và quy định giảm bớt rào cản cho việc thực hiện dự án hiệu quả.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng 1% trong giải ngân vốn đầu tư công tương ứng với mức tăng 0,058% GDP. Ngoài ra, cứ 1 đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch luôn ở mức thấp, dao động quanh 80% trong năm. Mặc dù chính phủ nỗ lực giải quyết vấn đề này, nhưng tiến triển đạt được là chưa đủ.

Thứ nhất, các dự án được phê duyệt với ngân sách được phân bổ đôi khi chưa sẵn sàng để triển khai, gây ra tình trạng chậm trễ kéo dài. Một cách tiếp cận có hệ thống nhằm cải thiện tính sẵn sàng của dự án có thể gia tăng đáng kể hiệu quả thực hiện.

Mỗi dự án cần tính sẵn sàng cao để đẩy nhanh tiến độ triển khai sẽ giúp giảm thiểu tình trạng đội vốn. Theo đó, đòi hỏi hoạt động chuẩn bị cơ bản, như nghiên cứu khả thi, thu xếp giải phóng mặt bằng và chuẩn bị mua sắm đấu thầu song song với thủ tục phê duyệt dự án.

Thứ hai, một trở ngại lớn cho việc chuẩn bị các dự án kịp thời và có chất lượng là sự phức tạp của các quy định, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Sự cứng nhắc khi cần thay đổi thiết kế hoặc ngân sách ngay cả sau khi được phê duyệt và phân bổ ngân sách có thể gây gián đoạn kéo dài trước khi có thể bắt đầu hoạt động dự án.

Cần phải sửa đổi các quy định cho phép sự linh hoạt dựa trên nguyên tắc và phù hợp với mục đích như một phần của việc cải thiện các thủ tục dự án. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc phê duyệt và quản lý dự án hiệu quả, phù hợp với nhiều tình huống khác nhau mà không phải lặp lại quy trình phê duyệt.

Đi cùng với đó, việc tăng cường năng lực của cán bộ phụ trách đầu tư công ở cấp tỉnh và địa phương cũng rất quan trọng để cải thiện chất lượng chuẩn bị dự án.

Thứ ba, sự phối hợp chưa nhuần nhuyễn giữa đầu tư công và quy trình ngân sách dẫn tới phân bổ ngân sách chậm và không đủ.

Trong những năm gần đây, báo cáo cho thấy các cơ quan trung ương nhận được nguồn vốn phân bổ cao hơn so với mức đề xuất, trong khi các tỉnh nhận được quá ít so với nhu cầu. Thách thức cấp bách từ sự chênh lệch giữa ngân sách được phân bổ và nhiệm vụ đầu tư thường dẫn tới việc thiếu hụt ngân sách và chậm trễ trong triển khai dự án.

Ngoài ra, ngân sách có thể không được phân bổ một cách tối ưu cho những lĩnh vực ưu tiên đã xác định, dẫn đến không tận dụng tối đa hiệu quả nguồn lực. Điều này làm hạn chế tiến độ dự án và hiệu quả sử dụng vốn.

Năm 2024, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Sau khi Quốc hội phê duyệt ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phân bổ 688,5 nghìn tỷ đồng để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế.

ĐẦU TƯ CÔNG TÁC ĐỘNG LAN TỎA ĐẦU TƯ TƯ NHÂN

Mekong ASEAN: Đối với khu vực ngoài Nhà nước, quý 1/2024, tổng vốn đầu tư của khu vực này phục hồi rất chậm, chỉ tăng 4,2% trong quý 1/2024, chỉ cao hơn mức tăng thấp kỷ lục 2,7% năm 2023. Ông đánh giá thế nào về con số này?

Chuyên gia Nguyễn Bá Hùng: Đầu tư ngoài Nhà nước tăng 4,2% quý 1/2024, dù phục hồi so với mức tăng 1,8% của quý 1/2023, nhưng chỉ bằng một nửa so với thời điểm trước Covid-19 khoảng 8-8,5%.

Con số này cũng "khớp" với diễn biến của tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế khi kinh tế tư nhân là khu vực vô cùng quan trọng, đóng góp 50% GDP, 19% ngân sách, 25% xuất khẩu và tạo ra 80% việc làm. Khi doanh nghiệp tư nhân "khó", vốn trong nền kinh tế sẽ bị ách tắc.

Nói cách khác, khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp không có cơ hội sản xuất kinh doanh, đầu tư tư nhân giảm có thể coi là phù hợp với xu hướng chung của GDP tăng trưởng chậm vào năm 2023.

Đến năm 2024, thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân sôi động. Cụ thể, các giải pháp thúc đẩy thương mại, dịch vụ hướng tới tiêu dùng nội địa để từ đó lan tỏa cho các ngành sản xuất, nhất là sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi thời gian qua dự báo "ngấm dần" vào nền kinh tế trong năm 2024.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã thoát đáy và chuẩn bị chu kỳ hồi phục vào năm 2024. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo khối lượng phát hành khởi sắc hơn vào nửa cuối năm khi kinh tế ấm lên, thị trường bất động sản hồi phục sẽ tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng và hiệu quả thúc đẩy kinh tế tư nhân.

Để thúc đẩy đầu tư tư nhân, mấu chốt là cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý và khẩn trương ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn đồng bộ các luật vừa được Quốc hội thông qua để đảm bảo hiệu lực thực thi.

Bên cạnh phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống cần khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới và cũng là xu thế tất yếu toàn cầu như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,...

Tập trung phục hồi và phát triển lành mạnh, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thị trường vàng.

Cuối cùng, việc đẩy mạnh triển khai giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao sẽ tác động tích cực đến dòng vốn lưu thông trong toàn bộ nền kinh tế, kích thích đầu tư tư nhân phát triển. Đáng nói, vốn đầu tư công giải ngân còn có ý nghĩa hướng dòng vốn vào kinh tế thực, tránh việc vốn trong nền kinh tế hướng vào các thị trường tài sản rủi ro.

Đọc tiếp