Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa làm việc với Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf Việt Nam |
Tại buổi làm việc, ông Panawit Sidejchayabhon, Tổng Giám đốc Gulf Việt Nam chia sẻ nguyện vọng được tìm hiểu xúc tiến đầu tư dự án thuộc các lĩnh vực năng lượng tái tạo, khí hóa lỏng (LNG), hạ tầng kỹ thuật… trên địa bàn tỉnh.
Đây là những mảng kinh doanh thế mạnh với kinh nghiệm phát triển trên 20 năm của Tập đoàn. Tổng Giám đốc Gulf Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của các cấp sở, ngành chính quyền địa phương trong việc tìm hiểu, triển khai dự án.
Ông Panawit Sidejchayabhon – Tổng Giám đốc Gulf Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. |
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đã giới thiệu với nhà đầu tư những tiềm năng, thế mạnh và các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh. Trong đó, Khu kinh tế Nghi Sơn trên địa bàn tỉnh đã được chọn là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm, có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất cả nước, có đường cao tốc kết nối tới nhiều trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước và vùng, thuận lợi cho thiết lập quan hệ hợp tác và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, với thế mạnh của cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng đón tàu trọng tải lên đến 70.000 - 100.000DWT, năng lực xếp dỡ hàng trăm triệu tấn/năm, đã thành công thu hút được nhiều dự án của các tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực lọc hóa dầu, cảng, điện năng... đầu tư và hoạt động ổn định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa và đại diện các sở, ban ngành tại buổi làm việc. |
Từ năm 2013 đến nay, Thanh Hóa luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới, trong đó có các tập đoàn Thái Lan như Tập đoàn WHA.
Riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút được 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 134,4 triệu USD. Lũy kế từ 2013 đến nay, địa phương đã thu hút được 151 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14.549,6 triệu USD của các nhà đầu tư đến từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy công tác hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện, Thanh Hóa đang tập trung thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực có lợi thế như nông nghiệp, trồng rừng, thuỷ - hải sản, công nghiệp chế biến - chế tạo, điện năng và công nghiệp phụ trợ, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, y tế, giáo dục và hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Tỉnh rất mong muốn thu hút được nhà đầu tư có kinh nghiệm, làm chủ công nghệ hiện đại cũng như năng lực tài chính dài hạn để thực hiện dự án trong những lĩnh vực này.
Trao đổi với các nhà đầu tư, Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Văn Thi chia sẻ, việc phát triển năng lượng tái tạo, khí hóa lỏng cũng đang là một trong những trọng tâm được ưu tiên phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Ông đánh giá cao về Tập đoàn Gulf và mong muốn Tập đoàn Năng lượng Gulf nghiên cứu đầu tư dự án tại Thanh Hóa. Đồng thời cam kết, tỉnh Thanh Hóa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dự án sớm được đi vào thực tiễn.
Về đề xuất của Tập đoàn Gulf, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thi giao cho các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động phối hợp với các cộng sự của ông Panawit Sidejchayabhon và Tập đoàn trong việc giới thiệu địa điểm, xúc tiến đầu tư và các thủ tục pháp lý liên quan.
Thái Lan là quốc gia duy nhất ở châu Á có cơ cấu năng lượng phụ thuộc phần lớn vào khí đốt tự nhiên. Theo kế hoạch phát triển năng lượng sửa đổi của Chính phủ Thái Lan, khí đốt dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng hơn 50%, than và điện nhập khẩu lần lượt chiếm 15% đến 20% và năng lượng tái tạo chiếm khoảng 10%.
Nhập khẩu LNG của Thái Lan dự kiến sẽ tăng do nước này có ý định tăng cường sản xuất điện chạy bằng khí đốt và công suất nhập khẩu LNG để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng.
Tập đoàn Năng lượng Gulf là tập đoàn sản xuất điện tư nhân lớn nhất Thái Lan. Hiện tại, Gulf sở hữu hơn 35 dự án điện đang vận hành và phát triển/thi công, đồng thời không ngừng mở rộng ra thị trường quốc tế.
Lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn bao gồm nhiệt điện, năng lượng tái tạo, hạ tầng kỹ thuật và cung cấp khí… Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của Tập đoàn đã đạt 12,82 tỷ USD, lợi nhuận ròng năm 2022 đạt 326 triệu USD.
Vào tháng 2/2022, Gulf Energy Development PCL đã được Ủy ban Quản lý Năng lượng Quốc gia Thái Lan cấp giấy phép nhập khẩu LNG thông qua dự án Gulf MTP LNG.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Gulf là nhà điều hành của các dự án năng lượng mặt trời 69 MW GTN1 (trước đây gọi là TTCIZ-01) và 50 MW GTN2 (trước đây gọi là TTCIZ-02) tại tỉnh Tây Ninh; hai dự án điện gió tại tỉnh Gia Lai mỗi dự án công suất 50 MW; dự án trang trại năng lượng mặt trời 30 MW và dự án trang trại điện gió 310 MW tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Gulf cũng đã ký một thỏa thuận hợp tác nghiên cứu tiềm năng phát triển dự án điện khí công suất 6.000 MW và kho cảng LNG tại tỉnh Ninh Thuận. Ngoài ra, tập đoàn tiếp tục đến thăm và khảo sát tại các tỉnh có tiềm năng để phát triển một trung tâm điện khí LNG tại miền Bắc.