Toàn cảnh Hội nghị quốc tế về điện gió trên bờ, ngoài khơi và lưu trữ năng lượng lần thứ 7 tại Việt Nam năm 2024 (VOOWESS 2024) |
Ngành điện gió ngoài khơi phát triển sẽ tạo ra nhu cầu nhân sự và lượng việc làm lớn cho chuyên gia, kỹ sư, nhân sự cao cấp và lao động phổ thông. Đây cũng là cơ hội phát triển chuỗi cung ứng nội địa và nâng cao năng lực hiện có của các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và tham gia chuỗi cung ứng của Đông Nam Á, phục vụ nhiều thị trường khác.
Tại Hội nghị quốc tế về điện gió trên bờ, ngoài khơi và lưu trữ năng lượng lần thứ 7 tại Việt Nam năm 2024, do BUiM tổ chức ngày 29-30/10 tại TP HCM, những vấn đề liên quan đến quá trình phát triển các dự án điện gió ngoài khơi thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp đến từ các quốc gia.
Nhìn lại quá trình phát triển của Nhật Bản 10 năm qua, ông Watanabe Yasuaki, Phó Tổng giám đốc Marubeni ASIAN Power Việt Nam cho biết, trước đây, Nhật Bản cũng chưa có quy định trên toàn quốc về sử dụng vùng biển, chưa có khuôn khổ rõ ràng để phối hợp với người dân địa phương, thiếu hụt những chuyên gia hay các nhà phát triển có kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi.
Cho đến tháng 4/2019, Nhật Bản ban hành một bộ luật mới gọi là “Luật thúc đẩy việc sử dụng các vùng biển để phát triển các cơ sở sản xuất điện năng lượng tái tạo trên biển”, do hai cơ quan là Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch quản lý, nhằm giải quyết được những vấn đề bế tắc nói trên.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ chỉ định các khu vực biển khuyến khích sử dụng lâu dài, phân quyền và cách phối hợp rõ ràng của các tổ chức chính phủ, chính quyền địa phương, phối hợp với người dân cũng như tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư...
Nếu như năm 2019, đối với phần triển khai dự án các tiêu chí lựa chọn bao gồm kinh nghiệm/thành tích, tính khả thi của dự án, các yếu tố rủi ro, nguồn cung cấp điện ổn định, công nghệ tốt nhất hiện có, thì đến năm 2022 đã được thay đổi thành tiêu chí giao dự án đúng hạn, cơ sở lập kế hoạch dự án, triển khai kế hoạch dự án và nguồn cung cấp điện ổn định.
Các tiêu chí liên quan đến phối hợp với chính quyền, với người dân vùng dự án, đóng góp hiệu quả kinh tế cho địa phương, cho quốc gia vẫn được đề cao.
Đến năm 2023, Chính phủ Nhật Bản nhận thấy một số tiêu chí đánh giá đã bóp méo động cơ của nhà đầu tư theo đuổi quá trình triển khai không thực tế, cần phải tiếp tục điều chỉnh và thay đổi.
Ví dụ như về thời hạn hoàn thành dự án, theo phản hồi từ các nhà phát triển, cần đánh giá đúng việc hoàn thành dự án đúng hạn thay vì khuyến khích các đề xuất tiến độ không thực tế sẽ có nguy cơ chậm trễ và rủi ro cũng cao.
Về chuỗi cung ứng, việc tính toán cân nhắc sớm mô hình tua bin gió, các thông số kỹ thuật của cảng hiện tại liệu có đáp ứng về kích thước, diện tích đất, số lượng bến, chiều dài bến… sẽ có ảnh hưởng đến tính linh hoạt của kế hoạch dự án sau quá trình lựa chọn nhà đầu tư.
Về lựa chọn nhà đầu tư, kinh nghiệm thực hiện và điều phối dự án trước đây nên được đánh giá cao để đảm bảo dự án khả thi và việc triển khai đảm bảo đúng tiến độ. Ngoài ra, có thể cho phép một số công ty được phép tham gia sau vào quá trình phát triển dự án, thậm chí trước khi bắt đầu hoạt động để mở rộng kinh nghiệm phát triển dự án điện gió ngoài khơi.
Ông Watanabe Yasuaki, Phó Tổng giám đốc Marubeni ASIAN Power Việt Nam tại Hội nghị quốc tế về điện gió trên bờ, ngoài khơi và lưu trữ năng lượng lần thứ 7 tại Việt Nam năm 2024 (VOOWESS 2024) |
Đối với kinh nghiệm từ Marubeni, công ty triển khai những dự án điện gió đầu tiên tại Nhật Bản, ông Watanabe Yasuaki chia sẻ, vấn đề lựa chọn địa điểm thực hiện dự án được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền quyết định một vùng biển thí điểm dựa trên tiềm năng gió và địa kỹ thuật, các nhà phát triển sẽ bắt đầu nghiên cứu khả thi và cơ quan có thẩm quyền có thể tận dụng các kết quả đó.
Về vấn đề lựa chọn nhà đầu tư, quyền khảo sát, khi cơ quan có thẩm quyền lựa chọn một nhà phát triển sẽ ưu tiên vào các tiêu chí định tính, doanh nghiệp có tầm nhìn, như vậy quá trình nghiên cứu sẽ được đẩy nhanh.
Đối với giá điện, cơ quan có thẩm quyền quyết định biểu giá điện (FIT) cân nhắc, ngoài PPA để dự án có thể huy động vốn, cũng cần đảm bảo có động lực nhất định bù đắp rủi ro lớn trong phát triển thí điểm. Như vậy, cùng với PPA có khả năng thanh toán, giá FIT phù hợp sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển để dự án sớm triển khai.
Là một trong những tập đoàn năng lượng lâu đời ở Nhật Bản, Marubeni đã và đang phát triển 37 GW công suất lắp đặt các loại hình năng lượng gồm điện than, thủy điện, điện khí, LNG, điện gió, điện mặt trời, biomass… tại Nhật Bản, châu Á, Trung Đông, châu Âu.
Về điện gió ngoài khơi, từ năm 2011, Marubeni đã tham gia vào hầu hết các giai đoạn dự án từ nghiên cứu phát triển các cấu trúc móng nổi, dự án trình diễn điện gió nổi ở Fukushima và Kita-Kyushu, Nhật Bản, trực tiếp phát triển dự án điện gió ngoài khơi thương mại đầu tiên của Nhật Bản công suất 140MW móng cố định, đã vận hành thương mại vào tháng 1/2023 tại cảng Akita và cảng Noshiro, Nhật Bản; tham gia thu xếp tài chính dự án Gunfleet Sands và Westermost Rough tại Anh Quốc,... cho đến công tác quản lý vận hành.
Ông Watanabe Yasuaki nhận định, toàn bộ ngành công nghiệp mới này sẽ mang lại nhiều công ăn việc làm, kích thích sự tăng trưởng, mang lại thịnh vượng cho địa phương và quốc gia, hướng đến một xã hội phát triển bền vững.