Cổ phiếu của Dược Hậu Giang từng có giá hơn 500.000 đồng. |
Phiên 13/2/2023, VNZ tiếp tục tăng trần lên mức giá 1.027.400 đồng/cp. Như vậy, sau 9 phiên tăng trần liên tiếp, VNZ đã trở thành cái tên đầu tiên trong lịch sử chứng khoán Việt Nam chạm đến mức thị giá trên 1 triệu đồng/cp. Trước đó, VNZ mới phá kỷ lục thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán được giữ bởi BMC từ năm 2007.
BMC là cổ phiếu của CTCP Khoáng sản Bình Định (Bimico). Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng được thành lập năm 1985; địa bàn hoạt động tại tỉnh Bình Định.
Năm 2001, công ty được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước thành CTCP và đến năm 2006 thì chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) với số lượng hơn 1,3 triệu đơn vị.
Lên sàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn bùng nổ nên không bất ngờ khi BMC có chuỗi tăng giá kéo dài trong khoảng 50 phiên, từ mức chào sàn 50.000 đồng lên 454.000 đồng (ngày 16/3/2007).
Sau chuỗi tăng này, BMC có vài phiên điều chỉnh trước khi bước vào đợt sóng tăng kéo dài 30 phiên lên mức 847.000 đồng/cổ phiếu (ngày 21/5/2007).
Tuy nhiên, sau chuỗi giao dịch ấn tượng trên, cổ phiếu BMC nhanh chóng rơi vào trạng thái bị bán tháo do tác động tiêu cực từ diễn biến của thị trường chứng khoán. Đến phiên giao dịch ngày 6/5/2008, BMC lần đầu tiên thủng mốc 100.000 đồng thị giá. Dù có chuỗi hồi phục sau đó song trong xu hướng giảm của thị trường chứng khoán, BMC liên tục xuyên thủng các mức giá quan trọng.
Cứ thế đến thời điểm hiện tại, BMC chỉ còn là ký ức của một thị trường thời vang bóng. Hiện tại, mã giao dịch ở vùng 13.000 đồng và không còn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Là đơn vị sở hữu nhà máy chế biến sâu Titan đầu tiên của cả nước, khởi công vào năm 2007; Bimico từng bước vào giai đoạn hoàng kim 2011-2013 với mức doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến. Doanh thu năm 2013 đạt 445 tỷ đồng, gần gấp 4 lần năm 2010. Đỉnh lợi nhuận rơi vào năm 2011 với 91,4 tỷ. Đây là giai đoạn thị trường tiêu thụ mặt hàng Xi Titan có sự khởi sắc, thuế suất đối với các sản phẩm xuất khẩu của công ty giảm đáng kể cũng như sự đi vào hoạt động của các dây chuyền sản xuất.
Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim ấy nhanh chóng đi qua. Dù doanh thu công ty vẫn duy trì mức 110 - 230 tỷ đồng/năm song lợi nhuận của công ty đã bốc hơi mạnh khi điều kiện kinh doanh đã không còn nhiều thuận lợi. Năm 2016, BMC báo lãi sau thuế về đáy kể từ khi niêm yết với chỉ 9,2 tỷ đồng. Vài năm trở lại đây, tình hình kinh doanh cải thiện hơn. Năm 2022, công ty mang về lợi nhuận sau thuế 21 tỷ đồng, tăng 24% so với 2021.
Điểm tích cực của Bimico là từ khi lên sàn chưa bao giờ báo lỗ và chia cổ tức bằng tiền mặt đều đặn cho cổ đông.
Cái tên đắt giá thứ 3 trong lịch sử chứng khoán Việt là SJS của CTCP Đầu tư phát triển và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico). Đây là mã cổ phiếu bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán khá sớm, mở đầu cho làn sóng niêm yết của cổ phiếu bất động sản giai đoạn 2006-2007.
Ngay phiên chào sàn vào tháng 7/2006, SJS đã có giá lên tới 100.000 đồng/cổ phiếu. Với tên tuổi là một “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản, sở hữu nhiều dự án lớn, quỹ đất hàng nghìn ha tại Hà Nội, đáng chú ý là khu đất vàng nơi đặt dự án KĐT The Manor tại Mỹ Đình; cổ phiếu của Sudico nhanh chóng thu hút giới đầu tư.
Đến cuối năm 2006, thị giá SJS đã lên tới 560.000 đồng/cổ phiếu. Cũng chỉ trong chưa đến 10 phiên giao dịch đầu năm 2007, SJS chạm mốc 728.000 đồng/cổ phiếu.
Sau đó, Sudico tăng vốn gấp 4 lần, từ 50 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng bằng cách phát hành thêm cổ phiếu. Thị giá SJS cũng được điều chỉnh về giá 190.000 đồng/cổ phiếu rồi lại tiếp tục tăng lên 400.000 đồng/cổ phiếu.
Sudico tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng vào tháng 5/2007, rồi lên 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2009 bằng cách phát hành thêm cổ phiếu. Giá SJS điều chỉnh sau đó ở mức 70.500 đồng/cổ phiếu và giảm một mạch xuống ngưỡng 20.000 đồng trong năm 2012, khi thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế.
Sau giai đoạn đóng băng của thị trường bất động sản vào năm 2012, SJS có dấu hiệu phục hồi nhưng không còn thu hút giới đầu tư bởi kết quả quả kinh doanh kém sắc. Cho tới năm 2021, SJS mới “gây sốt” trở lại trước thềm Nhà nước thoái vốn. Cổ phiếu này đã leo dốc bền bỉ và leo lên mức giá 94.000 đồng vào tháng 4/2022. Hiện SJS giao dịch ở mức 45.000 đồng.
Cái tên đắt đỏ tiếp theo chính là FPT của Tập đoàn FPT. Ngày 13/12/2006, cổ phiếu này chính thức lên sàn HoSE, đánh dấu sự kiện doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông trở thành công ty đại chúng.
Thời kỳ đầu, cổ phiếu FPT giao dịch quanh mức 22.000 đồng/cổ phiếu trên thị trường OTC, song sát ngày lên sàn HoSE vọt lên ngưỡng 40.000đồng/cổ phiếu và chỉ sau tiếng gõ chiêng, mã cổ phiếu này đã bất ngờ vọt lên trên 400.000/cp trong phiên ngày 13/12.
Thời điểm tháng 2/2007, chỉ số VN-Index đạt đỉnh trên 1.000 điểm, mã FPT cũng lập đỉnh ở mức 665.000 đồng/cổ phiếu (ngày 27/2/2007). Với hơn 60 triệu cổ phiếu được niêm yết lúc bấy giờ, FPT ngay lập tức được định giá khoảng chừng 24.000 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD. Nhưng cũng cuối năm đó, sau khi có sự pha loãng do chia tách khi thưởng cổ phiếu, FPT quay đầu về mức 223.000 đồng/cổ phiếu.
Từ đó đến nay, cùng với việc chia tách trả cổ tức, thưởng cổ phiếu và diễn biến thị trường, thị giá FPT cũng giảm dần và chưa thể tìm lại thời kỳ hoàng kim đó. Tuy nhiên với ưu thế là công ty công nghệ hàng đầu và kết quả kinh doanh tăng trưởng đều, hiện tại FPT đang neo ở mức giá khá cao so với mặt bằng chung, ở mức 80.000 đồng/cp.
FPT hiện đang giữ được mức giá khá cao so với các mã vốn hóa lớn khác. |
Ngoài BMC, SJS, FPT, giai đoạn thị trường bùng nổ giúp VN-Index chinh phục mốc 1.000 điểm năm 2007 còn chứng kiến nhiều cái tên đắt đỏ như BVS của Chứng khoán Bảo Việt (635.000 đồng/cp), DHG của Dược Hậu Giang (553.000 đồng/cp), SD7 của CTCP Sông Đà 7 (494.000 đồng/cp), S99 của CTCP SCI (440.000 đồng/cp), HRC của HRC của CTCP Cao su Hòa Bình (418.000 đồng/cp)…
Tuy nhiên đến nay, các cổ phiếu trên đều không còn giữ được mức hoàng kim đó. Hiện tại trên thị trường, số cổ phiếu có giá trên 200.000 đồng cũng rất hiếm hoi. Chỉ 2 cái tên là VCF của Vinacafe Biên Hòa và HLB của CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long. Việc thị trường đón nhận thêm rất nhiều thành viên niêm yết trong khi điểm số vẫn loanh quanh ngưỡng 1.000 chính là giải thích đơn giản nhất cho kết quả này.