Thí điểm sử dụng 6 xe tải điện thu gom rác đầu tiên ở TP Huế

Huế môi trường
07:44 - 18/05/2023
Một trong 6 xe tải điện thu gom rác thải đầu tiên của Việt Nam.
Một trong 6 xe tải điện thu gom rác thải đầu tiên của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vừa bàn giao 6 chiếc xe tải điện thu gom rác thải đầu tiên của Việt Nam cho UBND TP Huế.

Dự án "Thúc đẩy chuyển đổi bền vững hướng tới phương tiện chạy bằng điện tại Việt Nam" do UNDP triển khai, được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, nhằm giảm phát thải khí nhà kính bằng cách tăng cường hệ sinh thái cho phương tiện giao thông điện và giao thông xanh ở cấp quốc gia.

Các hoạt động tại TP Huế sẽ là mô hình để giới thiệu tính khả thi và lợi ích của giao thông xanh. Dự án cũng hỗ trợ phát triển hệ sinh thái quốc gia cho xe điện, bao gồm đầu vào cho lộ trình quốc gia, chính sách, ưu đãi và kế hoạch cơ sở hạ tầng sạc điện.

Theo ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế, việc thí điểm thay một số phương tiện thu gom thủ công, xe tải động cơ đốt trong bằng xe điện bốn bánh chuyên dùng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, định hướng và mong muốn của TP Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc phát triển hệ thống giao thông công cộng theo hướng giao thông xanh. Đồng thời, góp phần triển khai thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố Huế.

“Qua đó, hình ảnh của thành phố Huế với các danh hiệu: Thành phố bền vững môi trường ASEAN; Thành phố Xanh quốc gia, sẽ tiếp tục được phát huy trong mắt du khách và bạn bè quốc tế. Cải thiện điều kiện sống, làm việc của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và các cam kết quốc tế của Việt Nam,” ông Võ Lê Nhật nói.

Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman bàn giao 6 xe tải điện thu gom rác cho Chủ tịch UBND TP Huế Võ Lê Nhật chiều 17/5.

Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman bàn giao 6 xe tải điện thu gom rác cho Chủ tịch UBND TP Huế Võ Lê Nhật chiều 17/5.

Phát biểu tại buổi lễ bàn giao chiều 17/5, ông Shimonishi Kiyoshi, Phó Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, như sản xuất điện sinh khối, thủy điện, amoniac và CCUS, thông qua Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á (AZEC).

“Chúng tôi sẽ hợp tác với các nước đối tác để hỗ trợ Việt Nam giảm lượng khí thải carbon bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo và các cơ chế khác trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Dự án thúc đẩy xe điện này góp phần xây dựng các chính sách và khung hỗ trợ để thúc đẩy việc giảm lượng khí thải carbon trên diện rộng trong lĩnh vực giao thông vận tải”, ông Shimonishi Kiyoshi khẳng định.

Từ phía Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, ông Patrick Haverman đánh giá cao đối với sự hợp tác và lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế trong lĩnh vực giao thông xanh.

Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhìn nhận, Thừa Thiên Huế đã có những nỗ lực to lớn để đẩy nhanh việc thí điểm 6 xe tải điện tử thu gom rác thải, cung cấp khoản vay ưu đãi để khuyến khích người dân mua xe điện. Trong thời gian cho vay đầu tiên, 185 xe điện đã được mua và xây dựng phương thức quản lý phát triển hệ thống chia sẻ xe đạp/xe đạp điện tại thành phố Huế.

"Việc thúc đẩy các phương tiện giao thông mới và sạch hơn có thể mang lại lợi ích bền vững theo nhiều cách sẽ đưa ra một bức tranh rõ ràng về những lợi ích này. Đồng thời tăng thêm sự ủng hộ của xã hội, xác định các rào cản hiện có và rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng chính sách và nhân rộng" ông Patrick Haverman nói thêm.

Quang cảnh buổi lễ chiều 17/5.

Quang cảnh buổi lễ chiều 17/5.

Việt Nam đã phê duyệt Chương trình hành động chuyển đổi xanh và giảm thiểu carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Chương trình hành động này nhằm tăng cường tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện giao thông chạy bằng điện và năng lượng xanh.

Đến năm 2050, Việt Nam kỳ vọng sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang phương tiện giao thông đường bộ chạy điện 100%, một bước quan trọng hướng tới đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng không từ ngành giao thông vận tải.

Các tỉnh như Thừa Thiên Huế sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng này và thúc đẩy chương trình giao thông bền vững của Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp