Giao dịch sàn HoSE phiên 29/8. |
Kết phiên 29/8, VN-Index tăng nhẹ 0,03 điểm, đứng ở mốc 1.281,47 điểm. HNX-Index và UPCoM cùng giảm nhẹ. Thanh khoản sụt giảm so với những phiên trước, với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 14.000 tỷ đồng.
Khối ngoại vẫn giữ mức giao dịch trung bình, khoảng 3.500 tỷ đồng. Họ tiếp tục bán ròng hơn 100 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung vào HPG gần 130 tỷ đồng, VCI 90 tỷ đồng, VRE 84 tỷ đồng; TCB, VPB trên 40 tỷ đồng; chứng chỉ quỹ FUESSVFL 35 tỷ đồng; HDB 30 tỷ đồng; PDR, CTG, PVD gần 20 tỷ đồng...
Chiều ngược lại, khối ngoại vẫn ưa thích cổ phiếu công nghệ FPT, với việc mua ròng 112 tỷ đồng. Trong 4 phiên gần đây, mã này được khối ngoại mua ròng hơn 400 tỷ đồng. Trong tuần trước, mã cũng dẫn đầu chiều mua ròng với giá trị hơn 600 tỷ đồng.
Danh sách cổ phiếu được khối ngoại mua ròng phiên hôm nay còn có STB 112 tỷ đồng, MWG 44 tỷ đồng; VCB, FRT trên 30 tỷ đồng; LPB, TPB gần 20 tỷ đồng...
Nhờ sự hỗ trợ của dòng tiền khối ngoại nên cổ phiếu FPT phục hồi khá tốt thời gian qua. Kết phiên 29/8, mã tăng 0,3% lên mốc 133.700 đồng/cp, tăng khoảng 13% so với hồi đầu tháng 8. Vùng đỉnh của cổ phiếu này là gần 140.000 đồng/cp, xác lập hồi đầu tháng 7/2024.
Ngoài FPT, nhóm vốn hoá lớn hôm nay cũng ghi nhận nhiều mã diễn biến tích cực, đóng vai trò giữ thế cân bằng cho thị trường. STB tăng tốt nhất với tỷ lệ +3,1%, kế đến là BCM +2,9%, VHM +1,5%, HDB +1,1%; ACB, BVH, CTG, MBB, TPB, VCB tăng nhẹ. Chiều giảm có PLX, VRE giảm hơn 1%; các mã còn lại giảm nhẹ hoặc đứng tham chiếu.
Thị trường diễn biến giằng co nên các cổ phiếu cũng biến động trong biên độ hẹp. Nhóm ngân hàng ngoài các mã bluechip như đã kể trên thì còn có BVB, LPB, NVB, OCB cũng tăng nhẹ. Chiều giảm có EIB giảm sâu nhất 2,4%, kế đến là MSB -2,1%, NAV -1,5%, VBB -1%. Các mã còn lại giảm nhẹ hoặc đứng tham chiếu.
Nhóm chứng khoán đa phần ở chiều giảm hoặc đứng tham chiếu, với HBS giảm mạnh nhất 4,8%, kế đến là VCI giảm gần 3%, IVS -2,8%; ABW, AGR, DSE, VIG giảm hơn 1%. Chiều tăng có VND +1,3%, TVB +1,2%, HAC +5,5%, DSC +3,6%, CSI +6,4%; AAS và APS, EVS tăng hơn 1%; BSI, TVS, VIX tăng nhẹ.
Tại nhóm bất động sản, chiều tăng ngoài VIC, VHM, VRE và BCM như đã kể trên thì còn có KHD, KSF, KOS, VCR, SCR, SJS... cũng đóng cửa trong sắc xanh, tuy nhiên đa phần chỉ tăng nhẹ. Chiều giảm có NVL -2,3%, PDR -2,1%, DXG -2,2%, ITA -2,4%, NTL -2,6%, OCG -5,3%, HPX -1,9%, CEO -1,8%; SSH, KBC, IDC, DIG, SNZ, TCH, HDG, NTC, AGG... giảm nhẹ.
Đáng chú ý, trong nhóm này có SGR tăng trần lập đỉnh ở vùng giá 40.300 đồng/cp. Chỉ từ giữa tháng 8/2024 đến nay, cổ phiếu của Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres) đã tăng tới 60%.
Cổ phiếu SGR vào đà tăng trước thềm doanh nghiệp chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản (ngày đăng ký cuối cùng là 29/8). Nội dung cụ thể chưa được thông báo.
Vừa qua, doanh nghiệp bất động sản này ghi nhận những chuyển động mới về dự án. Cụ thể, hồi cuối tháng 7, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên công bố liên danh Sài Gòn - Thái Nguyên (gồm Saigonres, DIC Corp và Hưng Thịnh Incons) là nhà đầu tư duy nhất cho dự án khu đô thị Nam Tiến 2, diện tích gần 35,3ha, tổng mức đầu tư gần 3.825 tỷ đồng.
Hồi tháng 6, Saigonres cũng được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận đầu tư dự án khu nhà ở Sài Gòn An Phú, dự kiến đầu tư 68 tỷ đồng.
Nửa đầu năm 2024, SGR báo lãi sau thuế 2,4 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chủ yếu do quý 1 lỗ gần 14 tỷ đồng.
VNDirect chốt danh sách cổ đông trả cổ tức tiền mặt |
Chứng khoán Vietcap chốt danh sách phát hành cổ phiếu thưởng |
Chứng khoán SSI nhận tin vui trước dịp nghỉ lễ |