Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường của VPBankS. |
Động lực nào dẫn dắt kinh tế hồi phục nửa cuối năm?
Chia sẻ tại Hội thảo "Tích luỹ vị thế - Sẵn sàng bùng nổ" do Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) tổ chức sáng 26/8, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường của VPBankS nhận định, vì có nền kinh tế mở nên khi thế giới “hắt hơi sổ mũi” Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Điều này phản ánh vào kết quả GDP 6 tháng đầu năm, chỉ đạt 3,72%.
Tuy nhiên từ tháng 7, nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, với chỉ số sản xuất (PMI) giảm chậm hơn, phản ánh lực cầu tăng khi lạm phát giảm xuống. Lực cầu xuất khẩu cũng nhích dần trong 3 tháng gần đây và được kỳ vọng phục hồi vào cuối năm.
Theo ông Sơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 lần giảm lãi suất, sau khi chính sách tiền tệ từ thắt chặt chuyển sang linh hoạt, nới lỏng. Lãi suất liên ngân hàng đang ở mức thấp nhất kể từ thời điểm dịch Covid-19 đến nay, hiệu ứng phụ rủi ro là chênh lệnh VND và USD, tỷ giá bắt đầu có hiện tượng tăng lên sau tháng 7. Tuy nhiên hiện tại, NHNN vẫn đang điều hành linh hoạt và tỷ giá chỉ dao động trong biên 2% trở xuống.
Áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn vẫn có thể tiếp tục tăng khi Fed vẫn dự kiến còn một lần tăng lãi suất nữa. Giám đốc chiến lược thị trường VPBankS dự báo tỷ giá có thể căng thẳng trong quý 3 nhưng sẽ dần hạ nhiệt dần trong quý 4. "Cho đến cuối năm, tỷ giá sẽ chỉ dao động không quá 2%, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 5-5,5% trong năm 2023", ông Sơn dự báo.
Theo ông Sơn, lãi suất đã thể hiện rõ vai trò trong 6 tháng đầu năm, còn động lực tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm chính là đầu tư công. Hiện còn khoảng 20 tỷ USD nguồn vốn này cần giải ngân, giúp thúc đẩy cả tiêu dùng và tăng trưởng tín dụng.
Nguồn: VPBankS |
Bình luận thêm về tình hình vĩ mô, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đồng tình với dự báo nền kinh tế thế giới sẽ có xu hướng đi ngang hoặc đi lên. Theo ông, trong lịch sử, khi kinh tế thế giới đi ngang hoặc đi lên thì kinh tế Việt Nam đi lên rất rõ ràng. Ông dự đoán GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,3-5,5% trong năm 2023, và 6% vào năm 2024.
Trong giai đoạn cuối năm 2023, TS Nghĩa cho rằng có ba động lực chính sẽ dẫn dắt kinh tế hồi phục. Đầu tiên là nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam phục hồi nhanh hơn so với mức chung của thế giới. Các tín hiệu gần đây cho thấy lượng đơn hàng của các doanh nghiệp FDI đang tăng lên, đặc biệt trong ngành điện tử.
Thứ hai là vốn đầu tư công, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc giải ngân nguồn vốn này. Theo TS Nghĩa, sau khi “giải phóng” được tâm lý sợ trách nhiệm của địa phương, đầu tư công đã khởi sắc rõ rệt.
Thứ ba là cầu tiêu dùng. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh cùng với yếu tố mùa vụ trong mùa mua sắm cuối năm sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế.
Chính phủ đã có những hành động cụ thể để hỗ trợ thị trường trái phiếu, bất động sản, giúp lòng tin thị trường tăng lên. Tinh thần của doanh nghiệp không bị đánh sập và sẽ tạo ra sức bật mạnh mẽ.
Kỳ vọng vượt qua vùng 1.535 điểm với câu chuyện nâng hạng
Về thị trường chứng khoán, theo ông Trần Hoàng Sơn, VN-Index vừa trải qua giai đoạn tích luỹ để đi lên, sau giai đoạn tuyệt vọng đi cùng diễn biến xấu của nền kinh tế. Các yếu tố hỗ trợ là chính sách kích thích tiền tệ, lạm phát giảm, lãi suất ngắn hạn giảm, lợi suất trái phiếu giảm, hàng hoá cơ bản và giá bất động sản chạm đáy.
Sau giai đoạn tích luỹ, thị trường sẽ bước vào giai đoạn “cất cánh”, với điều kiện kinh tế tăng trưởng trở lại, lạm phát duy trì mức thấp và niềm tin gia tăng. “Hiện tại, thị trường đang giao thoa giữa tích luỹ và ‘cất cánh’. Cả chính sách vĩ mô và các chỉ số đều cho thấy thị trường đã bước vào sóng tăng mới”, chuyên gia cho biết.
VN-Index trải qua tháng 5,6,7 tăng tốt, đặc biệt là nhịp tăng nước rút trong tháng 7. Tuy nhiên theo ông Sơn, định giá chứng khoán Việt Nam vẫn rất hấp dẫn. P/B thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thấp hơn mức trung bình. P/E cũng đang rất cạnh tranh, cùng ROE ở mức cao.
Nguồn: VPBankS |
Chuyên gia cho biết, động lực để thị trường tiếp tục đi lên là tâm lý nhà đầu tư đã tích cực trở lại, khi thanh khoản tăng trung bình 13.000 tỷ đồng trong những tháng đầu năm lên 27.000 tỷ đồng 3 tháng gần đây, số tài khoản chứng khoán mở mới tháng 6-7 lên tới 150.000-170.000 tài khoản.
Quan trọng hơn là chu kỳ kinh tế mới và kỳ vọng “sóng” nâng hạng thị trường. Hệ thống giao dịch mới (KRX) dự kiến vận hành vào cuối năm, sẽ giúp giao dịch dễ dàng hơn, cung cấp các sản phẩm mới, rút ngắn chu kỳ thanh toán, cải thiện những yếu tố tiêu chuẩn để nâng hạng thị trường...
Ông Sơn dự phóng, vào tháng 9/2025, Việt Nam sẽ chính thức được vào rổ thị trường mới nổi của FTSE. MSCI thì khó hơn nên có thể phải đến 2026, Việt Nam mới được chính thức được nâng hạng.
“Việt Nam hội nhập thì việc nâng hạng là tất yếu, chỉ là sớm hay muộn. Hiện tại mức thanh khoản 1 tỷ USD đã là lớn, nhưng khi được nâng hạng, chúng ta có thể kỳ vọng vào các phiên 2-3 tỷ đô, thậm chí 5-6 tỷ USD”, ông Sơn nói.
Trong ngắn hạn, ông Sơn dự đoán nhịp điều chỉnh này VN-Index có thể sẽ về thấp nhất 1.124-1.130 hoặc dao động quanh vùng 1.150 điểm rồi đi lên.
“Theo thống kê của chúng tôi thì mỗi khi thị trường vào sóng tăng mới đều có xu hướng vượt đỉnh. Kỳ vọng đợt tăng này, VN-Index sẽ vượt qua vùng 1.535 điểm và tiếp tục đi lên vùng cao mới, nhờ động lực thăng hạng thị trường”, chuyên gia kỳ vọng.