Mở cửa phiên giao dịch tuần mới, thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận diễn biến kém sắc với áp lực bán gia tăng. Áp lực bán tiếp tục gia tăng trong phiên chiều khiến VN-Index kết phiên giảm 5,14 điểm, tương đương 0,4% so với phiên trước, dừng tại mốc 1.274,77 điểm. Tương tự, HNX-Index 0,8 điểm (0,33%) xuống 243,16 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (0,04%) về 98,09 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt gần 780 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, HNX-Index đạt hơn 68 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 1,4 nghìn tỷ đồng.
Với rổ VN30, kết thúc phiên có 8 mã tăng/20 mã giảm, chi phối bởi giao dịch kém sắc của thị trường phiên hôm nay. Trong đó, BID, GAS, FPT, MSN, VCB, TCB, MWG, HDB là các tác nhân chính gây ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chung. Chiều ngược lại, HPG là công thần lớn nhất của VN-Index, theo sau là sắc xanh của HVN, GVR, SSB góp phần giúp chỉ số không giảm quá sâu.
Cổ phiếu ngân hàng cũng giảm mạnh phiên hôm nay khi lấy đi gần 3,3 điểm. Loạt mã trong ngành đóng cửa trong sắc đỏ, điển hình như BVB giảm 4%, BID giảm 2,1%, HDB giảm 1,7%, LPB giảm 1,2%, TCB giảm 1,1%, VCB giảm 0,5%, …
Ngược lại với xu hướng chung, nhóm ngành thép lại có diễn biến tích cực sau khi Bộ Công Thương tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng. HSG, SMC đóng cửa trong sắc tím trần. Sắc xanh cũng lan tỏa ở NKG (+4,3%), TVN (+2,8%), VGS (+2,7%), TLH (+1,9%), HPG (+1,2%),…
Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu thép diễn ra trong bối cảnh Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Quyết định này được ban hành vào ngày 14/6, căn cứ theo kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật phòng vệ thương mại đối với hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được nộp đầy đủ và hợp lệ ngày 3/5/2024 bởi 5 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước.
Với quyết định trên của Bộ Công Thương, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) nhận định, Tập đoàn Hoa Sen sẽ là bên hưởng lợi lớn nhất. Điều này có được nhờ vào vị thế của Hoa Sen tại các thị trường tôn mạ và thép ống. Theo KBSV, doanh nghiệp này đang đứng đầu thị trường tôn mạ khi chiếm 28,4% thị phần và đứng thứ hai tại thị trường thép ống với 12,4% thị phần.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục bán ròng hơn 738 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung tại các mã HPG (147,33 tỷ), FPT (122,83 tỷ), VHM (101,87 tỷ) và HDB (95,84 tỷ). Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 25 tỷ đồng, tập trung vào mã PVS (13,73 tỷ), IDC (6,55 tỷ) và GKM (4,08 tỷ).