Mekong ASEAN ghi nhận ngày 16/12 tại một số cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn tình trạng người dân xếp hàng dài trước cửa để chờ mua.
Các cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Trần Nhân Tông không còn nhiều khách tới xếp hàng chờ mua vàng. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Tại trụ sở Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông, không khí tại cửa hàng hoàn toàn khác so với những đợt "sốt vàng" trước. Không có hiện tượng người dân phải xếp hàng giao dịch vàng như trước đó.
Ảnh trên là cảnh xếp hàng chờ vào mua bán vàng ngày 8/11 và ảnh dưới là cảnh vắng vẻ sáng 16/12 tại cùng một địa điểm. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Khoảng 10h sáng 16/12, cửa hàng Bảo Tín Minh Châu ghi nhận hết nhẫn vàng trơn. “Hiện tại cửa hàng chỉ nhận từ 50-100 khách/ngày. Mỗi khách hàng sẽ được mua tối đa 1-2 chỉ. Giao dịch mua vào dành cho khách hàng có nhu cầu bán vàng vẫn diễn ra bình thường,” nhân viên cửa hàng Bảo Tín Minh Châu thông báo.
Các cửa hàng kinh doanh vàng bạc nằm trên phố Trần Nhân Tông như DOJI, Phú Quý cũng không có hiện tượng khách xếp hàng dài chờ giao dịch vàng như đầu tháng trước.
Hầu hết người dân cho biết, việc giao dịch vàng nhẫn trong mấy ngày gần đây diễn ra nhanh chóng do không phải xếp hàng. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Phần lớn khách hàng đến cửa hàng hôm nay đều là người muốn bán vàng. Chia sẻ với Mekong ASEAN, bác Hoan (trú tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: “Sáng nay, tôi đến cửa hàng lúc họ vừa mở cửa và thấy không có cảnh đông đúc như trước. Tôi không phải chờ đợi lâu như trước đây, giao dịch cũng diễn ra nhanh chóng. Tôi quyết định bán 5 chỉ vàng vì giá mua vào và bán ra của cửa hàng không quá chênh lệch, nên bán vàng lúc này vẫn có lợi”.
Cùng suy nghĩ, anh Quốc Dũng (35 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy bán vàng lúc này là hợp lý nên tranh thủ để có lời. Hơn nữa, các cửa hàng thông báo hết nhẫn trơn, chứng tỏ nhu cầu mua đang cao nên khi bán lúc này, tôi cũng yên tâm hơn phần nào. Chỉ lo thời gian tới giá giảm nữa nên tôi không muốn giữ lâu để tránh rủi ro”.
Trao đổi với Mekong ASEAN về xu hướng trên, chị Ngọc Ái, chủ tiệm vàng trên phố Hàng Bạc nói: “Thời gian gần đây tôi nhận thấy nhiều người bán vàng hơn mua. Có thể vì giá vàng đang ở mức cao, nhiều người tranh thủ bán để thu lợi nhuận. Tình hình kinh tế hiện tại cũng khiến nhiều người cần tiền mặt hơn, nhất là khi giá vàng biến động, một số người lo ngại rằng giá vàng có thể giảm trong tương lai vì thế họ muốn bán ngay thay vì giữ vàng lâu. Cộng thêm việc vàng là tài sản dễ thanh khoản nên khi cần tiền gấp, nhiều người chọn bán vàng thay vì bán những tài sản khác”.
Giá vàng nhẫn trong nước ghi nhận sáng 16/12 giảm nhẹ, trong khi vàng miếng SJC giảm tới 1,2 triệu đồng/lượng. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Ghi nhận ngày 16/12, giá vàng nhẫn trong nước giảm nhẹ, trong khi vàng miếng SJC giảm mạnh tới 1,2 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 82,6 - 84,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm lần lượt 700.000 đồng/lượng và 400.000 đồng/lượng so với cuối tuần.
Tại Tập đoàn DOJI, giá vàng nhẫn được điều chỉnh xuống còn 83,35 - 84,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều. Các mức điều chỉnh này phản ánh xu hướng giảm chung của thị trường vàng. Các doanh nghiệp vàng khác cũng điều chỉnh giá vàng nhẫn, phổ biến giảm từ 100.000 đến 600.000 đồng mỗi lượng.
Còn giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 82,6 - 85,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,2 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua. Chênh lệch giữa bên mua và bán là 2,5 triệu đồng/lượng.
Biến động giá vàng tuần qua: Xu hướng khó đoán |
Vàng miếng rớt giá, mất hơn một triệu đồng mỗi lượng |
Hà Nội: Giá vàng 'nhảy múa', một số cửa hàng thông báo ngừng bán |