Thiếu đơn hàng xuất khẩu khiến sản xuất công nghiệp khó bứt phá trong tháng 4

Công nghiệp GSO
12:47 - 29/04/2023
Thiếu đơn hàng xuất khẩu khiến sản xuất công nghiệp khó bứt phá trong tháng 4
0:00 / 0:00
0:00
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước do kinh tế thế giới phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn dẫn đến đơn hàng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu giảm.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp năm 2023 giảm mạnh so với năm 2022, khi cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10,7%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2023 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,1%; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,2%. Sản xuất và phân phối điện tăng 4,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, khi cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,8%, làm giảm 0,5 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,1%, làm giảm 1,5 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Trong khi cùng kỳ, các ngành đều chứng kiến mức tăng trưởng tốt, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo cùng kỳ năm 2022 tăng 8,5%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7%. Chỉ trừ ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có mức tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ khi 4 tháng đầu năm 2022, ngành này chỉ tăng 1,7%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước trong đó mức giảm lớn nhất đến từ ngành sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 9,6%) và ngành sản xuất xe có động cơ (giảm 8,5%).

Ở chiều ngược lại, các ngành khai khoáng đang có mức tăng lớn nhất, như sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế (tăng 14,3%); khai thác quặng kim loại (tăng 14,1%).

Tới hết tháng 4, ngày càng có thêm nhiều địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chỉ số này đã tăng ở 52 địa phương và giảm ở 11 địa phương trên cả nước.

Mức tăng chủ yếu đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cùng ngành sản xuất và phân phối điện. Trong đó, Cao Bằng là địa phương có chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng lớn nhất (tăng 26,3%), kế đó là Lai Châu (tăng 22%) và Đắk Lắk (tăng 21,9%).

Đối với chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện, Hậu Giang đã chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ khi tăng tới 274,7%, cách biệt lớn so với tỉnh thành xếp thứ 2 là Thái Bình (tăng 54,5%).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ô tô tiếp tục có mức giảm lớn nhất (giảm 19,3%). Đây là tháng thứ 3 liên tiếp sản phẩm này ghi nhận mức giảm sâu nhất trong các sản phẩm công nghiệp.

Ở chiều ngược lại, đường kính và xăng dầu là 2 sản phẩm ghi nhận mức tăng trưởng tốt, lần lượt tăng 23,2% và 15,1%. Sản phẩm xăng dầu đã có 3 tháng liên tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/4/2023 tăng 0,7% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 3,5% so với cùng thời điểm năm trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp