Thu hút FDI: Để không lỡ nhịp 'cuộc chơi lớn'

Thu hút FDI: Để không lỡ nhịp 'cuộc chơi lớn'

FDI Việt nAM
06:35 - 15/02/2024
Sau 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang có cơ hội lịch sử để "cưỡi trên sóng lớn" đón dòng vốn chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc.

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn, Mekong ASEAN có dịp trao đổi với chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, xung quanh câu chuyện về tâm niệm định vị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mekong ASEAN: Kinh tế năm 2023 vẫn tiếp tục giữa bộn bề khó khăn, nhưng vốn FDI vẫn nổi lên là một trong những điểm sáng. Cuối năm nhìn lại, ông đánh giá như thế nào về tình hình thu hút FDI của Việt Nam thời gian vừa qua?

Chuyên gia Võ Trí Thành: Trong suốt quá trình 35 năm đổi mới cải cách, kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, không gian ngoại thương của Việt Nam đang được mở ra rất rộng lớn. Trong đó Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)... là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chất lượng cao.

Đi cùng với đó, thu hút đầu tư nước ngoài kể từ khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đến nay luôn được xác định có vai trò quan trọng, trở thành một phần hữu cơ của nền kinh tế; được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy nội lực, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt nhiều thành tựu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12, có 144 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 39.140 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 468,9 tỷ USD.

Điều khác biệt của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây là chất lượng vốn đầu tư được nâng lên. Đặc biệt là giai đoạn từ sau năm 2019 đến nay khi Bộ Chính trị chính thức ban hành Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay đã được chọn lọc kỹ càng hơn theo hướng ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn và tạo lan tỏa với khu vực trong nước. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn với công nghệ hiện đại đã và đang đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

Mekong ASEAN: Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội của Việt Nam trong thu hút làn sóng đầu tư thế hệ mới. Đi cùng với những cơ hội, đâu là bài toán mà chúng ta cần đi tìm lời giải?

Chuyên gia Võ Trí Thành: Trước tiên, phải nhìn nhận về xu thế FDI trên toàn cầu. Dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế đã mang lại nhiều hệ quả, trong đó đáng chú ý là nỗ lực đưa sản xuất, đặc biệt trong các ngành quan trọng như bán dẫn và sản xuất pin xe điện quay trở về nước hoặc chuyển sang các vùng lãnh thổ và quốc gia có chung hệ giá trị và tiêu chuẩn.

Mặt khác, những biến động kinh tế và chính trị toàn cầu gần đây đã phơi bày rủi ro của chuỗi cung ứng khi phụ thuộc vào một nguồn cung cấp hoặc một thị trường duy nhất. Kết quả là nhiều tập đoàn đa quốc gia đã tính toán lại về chiến lược chuỗi cung ứng và dần dần tái cấu trúc chúng theo hướng khu vực hóa, đa dạng hóa nhà cung cấp.

Nhìn vào tương lai, Việt Nam vẫn đang tiếp tục thể hiện vị thế của mình là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tôi cho rằng, sự gia tăng vốn đăng ký lẫn giải ngân trong năm 2023 phản ánh sự quan tâm và tin tưởng liên tục của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng thị trường và môi trường kinh doanh của Việt Nam trong dài hạn.

Trong quá khứ, Việt Nam đã chứng kiến ​​3 làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài đáng kể. Làn sóng FDI đầu tiên xảy ra khi hãng xe Nhật Bản Honda Motor (Honda) bắt đầu sản xuất xe hai bánh tại Việt Nam vào năm 1997.

Làn sóng thứ hai kéo dài từ đầu những năm 2000 cho đến thời điểm ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ vào năm 2008, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2009, tập đoàn Samsung Electronics (Samsung) của Hàn Quốc đã đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh.

Làn sóng đầu tư FDI thứ ba được cho là đã diễn ra mạnh mẽ vào giữa những năm 2010. Với sức mua ngày càng tăng, Việt Nam trở thành mục tiêu sinh lợi cho các doanh nghiệp tiêu dùng nước ngoài.

Năm 2023, mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia lớn có ưu thế về công nghệ trên thế giới được kỳ vọng là lực đẩy đưa làn sóng thu hút FDI lần thứ 4 sớm bùng nổ tại Việt Nam.

Trước đây, nhắc đến thu hút FDI chúng ta thường chỉ nhắc về vốn, bởi ở thời điểm đó, nước ta mong muốn có nhiều nhà đầu tư vào cung ứng vốn, đồng thời sử dụng lao động.

Nhưng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam, việc thu hút FDI phải hướng đến chuyển giao công nghệ, tạo ra sự liên kết và chuỗi giá trị. Sau tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50NQ/TW về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2023. Nghị quyết với nội hàm mới là “hợp tác đầu tư nước ngoài” chứ không phải đơn thuần là “thu hút đầu tư nước ngoài” như trước đây.

Với định hướng trên, trong cuộc chơi mới, các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò là những doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, lan tỏa và tạo thành chuỗi giá trị.

Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới với tiêu chí hàng đầu là công nghệ, để có thể đưa doanh nghiệp trong nước trở thành vệ tinh, sản xuất các khâu phụ trợ và nắm bắt công nghệ cao từ doanh nghiệp FDI.

Muốn vậy, Việt Nam cũng không thể ngồi chờ nhà đầu tư nước ngoài tìm đến, mà cần chủ động hơn. Chúng ta cần những nhà đầu tư “chất lượng”, nền kinh tế, môi trường đầu tư, doanh nghiệp Việt cũng phải “chất lượng”.

Mekong ASEAN: Đi vào những giải pháp cụ thể, theo ông, Việt Nam cần làm gì để những cái bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài chặt hơn, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cao hơn?

Chuyên gia Võ Trí Thành: Làn sóng FDI mới đang mở ra cơ hội rất đặc biệt cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Nguồn lực phát triển này chứa đựng trong nó tiềm năng tạo động lực to lớn để tạo những bước phát triển nhảy vọt.

Tôi cho rằng, để không lỡ nhịp “cuộc chơi lớn”, Việt Nam cũng phải kịp thời “tân trang” nguồn lực.

Trước tiên, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về thu hút FDI để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI.

Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam.

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với thuế suất 15% sẽ ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả của chính sách ưu đãi, thu hút FDI của Việt Nam. Điều này có thể gây xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia. Do đó, Chính phủ cần đánh giá các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và đưa ra các biện pháp thay thế, giúp họ duy trì sự hiện diện sau khi áp dụng thuế này.

Hai là, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài. Mở rộng các Khu công nghiệp (KCN) có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư

Ba là, nhân lực chất lượng cao chính là yêu cầu tất yếu, là động lực đột phá để Việt Nam rút ngắn khoảng cách, đứng trên vai người khổng lồ tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bốn là, kinh tế xanh, bền vững là xu hướng phát triển toàn cầu. Xu hướng này đòi hỏi không chỉ tư duy quản lý, điều hành, hoạch định chính sách của Việt Nam phải tốt, mà là sự phối hợp mọi khâu đầu-cuối trong chuỗi cung ứng - từ nguyên liệu đầu vào, cách thức sản xuất, cung ứng, phân phối sản phẩm… của mọi thành phần kinh tế phải đảm bảo thương hiệu Việt Nam.

Đây là những vấn đề quan trọng quyết định Việt Nam tiếp tục thu hút vốn FDI tới mức nào, thu hút vốn FDI chất lượng cao nhiều hay ít, ở tất cả các lĩnh vực.

Quote:

Trên thực tế, tôi cho rằng trong suốt quá trình cải cách, có những thời điểm, Việt Nam đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội. Đứng trước cơ hội cận kề, chúng ta không thể tiếp tục lãng phí nguồn lực rất quan trọng, đó là thời gian. Thời gian là chi phí cơ hội, là điều để hôm nay bắt nhịp với ngày mai.

Đặc biệt, để chơi được với "nhà giàu", phải có những con người Việt cụ thể, doanh nghiệp Việt cụ thể. Chính trị, chính sách sẽ chỉ mở đường, tạo sân chơi thuận lợi nhất có thể, bản thân doanh nghiệp phải lăn xả, làm chủ được cuộc chơi.

Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu hình thành khối kinh tế tư nhân với những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, bù đắp sự thiếu hụt linh kiện, trở thành môi trường hấp dẫn thu hút và giữ chân dòng vốn FDI, đồng hành cùng doanh nghiệp FDI trong chuỗi giá trị.

Mekong ASEAN: Các dự án FDI hiện nay chủ yếu tập trung tại một số tỉnh, thành phố lớn có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao, cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, … Gắn với việc quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đang được triển khai, việc thu hút FDI nên được lồng ghép như thế nào, thưa ông?

Chuyên gia Võ Trí Thành: Trong quá trình phát triển, bên cạnh khát vọng, mục tiêu cũng từng tỉnh, từng vùng, vẫn cần những điểm nhấn. Nghĩa là, trong một chừng mực nhất định, cần chấp nhận sự phát triển, tăng trưởng không đều giữa các vùng. Vấn đề ở đây là, làm thế nào để quá trình phát triển kinh tế có tác động lan tỏa?

Việt Nam muốn phát triển kinh tế nhanh hơn, đặc biệt muốn thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước, liên kết kinh tế là một giải pháp khá mới mẻ nhưng thiết thực và phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay.

Liên kết ngành, một mặt phát huy lợi thế vùng, một mặt có những doanh nghiệp lớn đi tiên phong bắt tay với các doanh nghiệp FDI, dẫn dắt cả hệ sinh thái đầu vào - đầu ra tiến sâu vào chuỗi giá trị.

Liên kết hạ tầng, hướng đến hệ thống giao thông thông suốt, kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế, trung tâm du lịch. Phát huy hiệu quả việc kết nối giao thông vận tải toàn vùng và cả nước theo nguyên tắc của logistics để tối ưu hóa vận tải, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nhằm giảm chi phí sản xuất, “mở đường” cho nhà đầu tư FDI.

Liên kết chính sách tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bền vững tránh phân tán nguồn lực cũng như giảm đi khả năng thu hút đầu tư so với tiềm năng của đất nước khi các tỉnh trong vùng thường có sự phát triển kinh tế khá giống nhau.

Nói như vậy không có nghĩa là cào bằng chính sách để làm mờ nhạt lợi thế của từng địa phương. Việc tận dụng cơ hội đón làn sóng đầu tư đến đâu không chỉ nằm ở khả năng hóa giải những thách thức từ bên ngoài mà quan trọng hơn là ở việc xử lý những vấn đề nội tại bên trong. Một trong những vấn đề đó là thu hút đầu tư phải căn cứ vào quy hoạch phát triển của địa phương, của vùng kinh tế và quy hoạch quốc gia.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đọc tiếp