Thủ tướng: Đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng để phát triển

Vùng CHÍNH SÁCH
15:53 - 12/02/2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Chương trình hành động vùng Đồng bằng sông Hồng, ngày 12/2. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Chương trình hành động vùng Đồng bằng sông Hồng, ngày 12/2. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Để thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển xứng với tiềm năng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng các tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, tích cực hơn nữa trong cắt giảm thủ tục hành chính.

Phát huy hết tiềm năng lợi thế nổi trội của Vùng

Hội nghị ngày 12/2 tại Quảng Ninh nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng, là hội nghị cuối cùng của Chính phủ triển khai chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng trong cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

Theo Thủ tướng, vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo. Vùng là cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới, là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.

Trong đó, Thủ đô Hà Nội, hạt nhân phát triển vùng, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ của cả nước.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước quan tâm, tập trung đầu tư phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, nhờ đó vùng có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước; cơ cấu chuyển dịch tương đối nhanh; thu ngân sách tăng nhanh; kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại, tốt nhất cả nước, thu hút FDI tăng khá nhanh.

Mặc dù vậy, theo Thủ tướng, kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng do nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng còn chưa đầy đủ. Chính sách chưa đủ mạnh để tạo đột phá cần thiết, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả.

"Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra 5 quan điểm phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, trong đó nhấn mạnh phải khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng Đồng bằng Sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Trên cơ sở đó, Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa Nghị quyết 30-NQ/TW, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển vùng, bảo đảm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Các Bộ/ngành liên quan và 11 địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.

“Các Bộ/ngành, địa phương tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng; đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển; tập trung phát triển hệ thống đô thị và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.

Đưa ra cơ chế chính sách đột phá thu hút đầu tư

Đặt câu hỏi trước toàn hội nghị về việc Đồng bằng sông Hồng cần làm gì để thu hút đầu tư, đạt được những mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng 11 tỉnh/thành trong vùng cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, tích cực hơn nữa trong cắt giảm thủ tục hành chính.

“Việc thiết yếu là rà soát, chỉnh sửa, bổ sung thể chế, chính sách, có cơ chế ưu tiên để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, có thái độ bình đẳng, lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư với quan điểm: Lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ/ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Cùng với đó là tập trung nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá để tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường, bảo vệ nhà đầu tư.

Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị tiếp tục đồng hành, giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, đẩy mạnh đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng cũng mong muốn các nhà đầu tư có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, những vấn đề còn vướng mắc thì tiếp tục đàm phán; thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp Việt Nam.

“Các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần ‘đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có hiệu quả đo đếm được và được nhân dân ghi nhận, tạo động lực phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ/ngành trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho các đối tác quốc tế vào Vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: VGP.

Lãnh đạo Bộ/ngành trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho các đối tác quốc tế vào Vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: VGP.

Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dự lễ công bố và trao trao Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040 cho lãnh đạo tỉnh và TP. Hạ Long. Bên cạnh đó, lãnh đạo các tỉnh/thành cũng đã trao quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt đầu tư vào Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp