Thủ tướng tiếp ông Rajesh Kumar Singh, Chủ tịch tập đoàn Phát triển hành lang công nghiệp quốc gia (NICDC). Ảnh: VGP. |
Tại cuộc gặp mặt với ông Rajesh Kumar Singh, Chủ tịch tập đoàn Phát triển hành lang công nghiệp quốc gia (NICDC) - đơn vị thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ, Chủ tịch NICDC đã giới thiệu tới Thủ tướng về các hành lang công nghiệp và vai trò của các hành lang này đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Ấn Độ.
Đây là sáng kiến tiên phong của Ấn Độ nhằm phát triển các thành phố công nghiệp mới, thành phố thông minh, tích hợp công nghệ thế hệ tiếp theo, đặc biệt là ngành bán dẫn, cách mạng hóa sản xuất và công nghiệp để củng cố vị thế của Ấn Độ trong chuỗi giá trị toàn cầu, đưa nước này trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, một cường quốc sản xuất.
Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo NICDC đã trao đổi về các kinh nghiệm, chính sách, nhất là công tác quy hoạch không gian phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng để phát huy tiềm năng, cơ hội của mỗi vùng, địa phương; đầu tư phát triển hạ tầng, giảm chi phí logistics; thủ tục đầu tư, chuyển đổi số; cơ chế huy động nguồn lực, ưu tiên cho một số lĩnh vực như bán dẫn, năng lượng sạch, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường…
Thủ tướng đánh giá cao mô hình hoạt động, quy mô, tầm nhìn, vai trò của NICDC đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Ấn Độ trong thời gian qua, đặc biệt là trong phát triển hạ tầng chiến lược, tạo không gian phát triển mới, giá trị mới.
Cho rằng đây là mô hình hay với nhiều kinh nghiệm mà Việt Nam có thể nghiên cứu, tham khảo, Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương phía Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Ấn Độ và NICDC, có thể lập tổ công tác để hợp tác, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong thời gian tới.
Thủ tướng tiếp ông Arun Kumar Singh, Chủ tịch tập đoàn ONGC Videsh Ltd. Ảnh: VGP. |
Tiếp đó, Thủ tướng đã tiếp ông Arun Kumar Singh, Chủ tịch tập đoàn ONGC Videsh Ltd. - công ty con của ONGC là tập đoàn dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất của Ấn Độ.
ONGC Videsh sở hữu quyền tham gia tại 35 lô dầu khí ở 15 quốc gia và sản xuất khoảng 30,3% dầu và 23,7% dầu và khí đốt tự nhiên trong sản xuất nội địa Ấn Độ. Về trữ lượng và sản lượng, ONGC Videsh là công ty dầu khí lớn thứ hai của Ấn Độ, chỉ sau công ty mẹ ONGC.
Lãnh đạo ONGC Videsh đánh giá cao cơ hội hợp tác với Việt Nam trên cơ sở mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cũng như tiềm năng lớn của Việt Nam trong lĩnh vực khí tự nhiên, đồng thời trao đổi về các dự án đầu tư của ONGC Videsh tại Việt Nam và kế hoạch, dự án hợp tác trong tương lai.
Thủ tướng nhấn mạnh thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí là lĩnh vực quan trọng với Việt Nam, hợp tác năng lượng cũng rất quan trọng trong quan hệ hai nước; đồng thời đánh giá cao hoạt động hợp tác, đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam và hoan nghênh các kế hoạch phát triển, mở rộng hợp tác, đầu tư trong thời gian tới của tập đoàn
Thủ tướng đề nghị ONGC Videsh tiếp tục thúc đẩy đầu tư, hợp tác với một số đối tác tiềm năng, có năng lực của Việt Nam, nhất là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petrovietnam) và làm tốt các dự án đã có, triển khai các dự án mới trong thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí bảo đảm hiệu quả cao, cả trước mắt và lâu dài; đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng khác.
Thủ tướng đề nghị tập đoàn tiếp tục trao đổi, làm việc với các bộ, ngành, địa phương và đối tác liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng tiếp ông Shikhar Malhotra, Giám đốc tập đoàn HCL. Ảnh: VGP. |
Chiều cùng ngày, Thủ tướng tiếp ông Shikhar Malhotra, Giám đốc tập đoàn HCL.Tại cuộc gặp, Thủ tướng đánh giá cao hoạt động của HCL đối với sự phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Ấn Độ và các quốc gia khác mà tập đoàn có chi nhánh, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng hoan nghênh và đề nghị tập đoàn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, hỗ trợ về nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, đặt hàng với các đối tác Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) với ưu tiên phù hợp, giá cả phải chăng, cạnh tranh, qua đó cùng tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, khai thác tốt thị trường Việt Nam cũng như thị trường từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng…
Lãnh đạo HCL đánh giá cao tiềm năng phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; cho rằng hai nước có nhiều điểm tương đồng trong lĩnh vực này, tập đoàn coi Việt Nam là địa điểm đầu tư chiến lược và cam kết đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực mà Thủ tướng đã đề cập.
HCL được thành lập vào năm 1976, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin; có văn phòng tại hơn 60 quốc gia và gần 220.000 nhân viên. Dịch vụ của HCL được sử dụng rộng rãi trong các ngành như tài chính, sản xuất, viễn thông, bán lẻ, dầu khí, hàng không - quốc phòng, ô tô, hóa chất và chế biến, công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, vận tải và logistics…
HCL đã đầu tư khoảng 20 triệu USD để thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội vào năm 2020 và TP HCM vào năm 2021. Doanh thu tại Việt Nam năm tài chính vừa qua đạt 16,5 triệu USD, tạo ra khoảng hơn 1.000 việc làm.