Thủ tướng kiểm tra tiến độ cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung

Thừa thiên huế Xây dựng
20:21 - 25/03/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An, dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An, dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 25/3, trong chương trình làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng cầu vượt cửa biển Thuận An, thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển chạy qua địa bàn tỉnh.

Cầu Thuận An - cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 3 đoạn tuyến và 1 cầu qua cửa biển với tổng chiều dài khoảng 21,8 km, tổng mức đầu tư 3.496 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương.

Trong giai đoạn 1, dự án xây dựng đoạn tuyến số 1 dài gần 8 km, trong đó có cầu Thuận An dài 2,36 km với số vốn 2.400 tỷ đồng, khởi công ngày 26/3/2022 và dự kiến hoàn thành ngày 26/3/2025.

Đây là cây cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung, cầu Thuận An được xây dựng đảm bảo khổ thông thuyền theo quy hoạch luồng tàu ra vào cảng Thuận An và phạm vi an toàn luồng hàng hải, với nhịp chính dài 218 m và cao 40 m.

Đây là nhịp cầu Extradosed (cầu dầm - cáp hỗn hợp) dài và cao nhất Việt Nam hiện nay. Tháp cầu có chiều cao 32 m được thiết kế dạng chữ A phía trên tạo mỹ quan cho công trình. Chiều cao từ mặt nước lên đến đỉnh tháp là 72 m.

Thủ tướng yêu cầu việc thi công phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính kỹ thuật, mỹ thuật và môi trường. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu việc thi công phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính kỹ thuật, mỹ thuật và môi trường. Ảnh: VGP

Công trình này sau khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn cảnh quan cho khu vực cửa biển Thuận An nói riêng và tuyến đường ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Đồng thời, tạo điều kiện hình thành các đô thị ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, dịch vụ của địa phương, nâng cao đời sống của nhân dân tại các xã ven biển nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Thăm, động viên đội ngũ cán bộ, công nhân trên công trường, Thủ tướng yêu cầu việc thi công phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính kỹ thuật, mỹ thuật và môi trường, không đội vốn phi lý, bảo đảm an toàn lao động cho công nhân và an toàn cho người dân, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Nghiên cứu xây dựng trụ sở mới cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác cũng thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế tại điện Long An, trong quần thể di tích Cố đô Huế.

Bảo tàng là nơi trưng bày những bộ sưu tập có giá trị cao, phản ánh đời sống vật chất, lễ nghi chính trị và tư tưởng của tầng lớp quý tộc, vua quan nhà Nguyễn ngày trước. Bảo tàng còn sở hữu khu cổ vật Chăm độc đáo với mục đích giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc Champa từ nhiều thế kỷ trước. Bảo tàng hiện có tổng cộng hơn 10.000 cổ vật hết sức giá trị.

Thủ tướng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Dự án xây dựng bảo tàng ở vị trí khác, trả lại nguyên trạng không gian di tích điện Long An. Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Dự án xây dựng bảo tàng ở vị trí khác, trả lại nguyên trạng không gian di tích điện Long An. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, hiện nay Bảo tàng đang tận dụng không gian di tích của điện Long An, cũng là một di sản quý giá, để trưng bày, chứ chưa có không gian riêng phù hợp. Do đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Dự án xây dựng bảo tàng ở vị trí khác, trả lại nguyên trạng không gian di tích.

Việc xây dựng bảo tàng cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, việc trưng bày, giới thiệu phải khoa học, hiện đại, nhưng kiến trúc phải có sự kế thừa truyền thống, hài hoà, phù hợp với tổng thể di tích cố đô Huế.

Thủ tướng đề nghị cán bộ, nhân viên bảo tàng tiếp tục giữ gìn hiện vật, trau dồi kiến thức để giới thiệu các giá trị của hiện vật gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hoá Việt Nam; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sưu tập, bổ sung, phục dựng các di sản, không chỉ các hiện vật mà cả các nét văn hoá tinh thần, sinh hoạt văn hoá, lao động, sản xuất độc đáo của người xưa; lưu truyền cho thế hệ sau.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cần làm tốt công tác bảo tồn, phát huy cao nhất giá trị to lớn và lâu dài của các di sản văn hóa trên mảnh đất cố đô, biến di sản thành tài sản, nguồn lực phục vụ phát triển.

Tin liên quan

Đọc tiếp