Thúc đẩy đầu tư công, các tỉnh kiến nghị gì với Thủ tướng?

ĐẦU TƯ CÔNG Việt nAM
14:57 - 21/02/2023
Thúc đẩy đầu tư công, các tỉnh kiến nghị gì với Thủ tướng?
0:00 / 0:00
0:00
Kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711 nghìn tỷ đồng, đặt áp lực và trách nhiệm lớn đối với các bộ ngành, địa phương. Tại hội nghị ngày 21/2, lãnh đạo các địa phương đã đề xuất một số kiến nghị về bố trí vốn, phân cấp, quy hoạch.

Hà Nội đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày 21/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đến 31/1/2023, TP Hà Nội đã giải ngân được hơn 45.000 tỷ đồng (87,8%).

Chia sẻ về khó khăn vướng mắc, TP Hà Nội đồng tình với báo cáo của Bộ KH&ĐT tại hội nghị về việc có rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, quy trình dự án, phân cấp phân quyền.

Rất mong Thủ tướng trong bối cảnh chính sách chưa kịp sửa có việc gì ủy quyền được cho địa phương, ủy quyền cho các Bộ trưởng thì mong một Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội phân cấp phân quyền cho địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện giờ một dự án "thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác", về đất đai, về môi trường… mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được. Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng "phải ngồi đôn đốc nhau" như thế này.

Đề xuất kiến nghị, Chủ tịch TP Hà Nội cho biết, không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác cũng đang vướng đó là câu chuyện phải có đủ vốn mới được phê duyệt chủ đầu tư.

"Hà Nội nhiệm kỳ này có 250.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, với số tiền này Hà Nội chỉ bố trí cho 5-7 công trình đã hết số tiền này mà cũng phải làm trong ít nhất 2 nhiệm kỳ. Đây chính là câu chuyện nhiệm kỳ ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư công mà Hội đồng nhân dân không thể tháo gỡ được, cứ tháo gỡ là sai luật. Mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo nội dung này thì mới giải thoát được câu chuyện về bố trí vốn", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiến nghị.

Hà Nội đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Ảnh VGP

Hà Nội đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Ảnh VGP

Quảng Ninh đề nghị tách ra thành các tiểu dự án giải phóng mặt bằng

Cũng tại hội nghị, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, năm 2023, tỉnh Quảng Ninh được giao số vốn là 14.971 tỷ đồng, trong đó vốn địa phương là 13.700 tỷ đồng, vốn Trung ương là 1.200 tỷ đồng.

"Chúng tôi đã phân khai đầy đủ nhưng riêng có vốn nước ngoài là 981 tỷ đồng chưa phân khai được do đây là một dự án thoát nước và vệ sinh môi trường TP Hạ Long và Cẩm Phả là vay vốn ODA", Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin.

Về kiến nghị, lãnh đạo Quảng Ninh hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Chủ tịch TP Hà Nội. Ở đây liên quan đến rất nhiều thủ tục về rừng, về chuyển sử dụng đất lúa…

"Vấn đề này, tỉnh cũng đã có kiến nghị rồi. Ở đây, xin bổ sung thêm kiến nghị nữa là công tác giải phóng mặt bằng hiện nay theo Luật đầu tư công là giữa nhóm A mới là tiểu dự án riêng. Đề nghị tất cả các dự án đầu tư công này, cho phép tách ra thành các tiểu dự án giải phóng mặt bằng thì sẽ đẩy nhanh được hơn", ông Cao Tường Huy đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Cao Tường Huy cho rằng, việc ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt đơn giá giải phóng mặt bằng và các địa phương là việc làm rất cần thiết, bởi ở cấp huyện mới hiểu rõ được nội dung này. Bây giờ tất cả báo cáo lên tỉnh để phê duyệt là phải thành lập Hội đồng cấp tỉnh, phải đi kiểm tra.

Như vậy không đủ thời gian để làm. Vừa qua, tỉnh đã ủy quyền rồi nhưng một số Bộ, ngành có ý kiến là việc ủy quyền này không theo Luật. Cho nên vừa rồi Quảng Ninh có ý kiến, nếu cấp có thẩm quyền đồng ý để UBND cấp tỉnh ủy quyền cho cấp huyện được phê duyệt giá giải phóng mặt bằng và tái định cư thì sẽ đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ. Ảnh VGP
Các đại biểu dự tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ. Ảnh VGP

Hưng Yên kiến nghị vừa lập vừa điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho biết, năm 2023, tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công với số vốn là 12.006 tỷ đồng, tăng rất cao so với kế hoạch năm 2022, nhất là nguồn thu tiền sử dụng đất.

Điều này tạo ra áp lực lớn trong việc đảm bảo cân đối nguồn thu tiền sử dụng đất và hoàn thành giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được Thủ tướng giao. Đến nay, tỉnh mới phân bổ chi tiết 8.385,2 tỷ đồng trên tổng số 12.006 tỷ đồng, đạt 69,8% kế hoạch được giao.

Tỉnh Hưng Yên xác định hoàn thành giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị quan trọng năm 2023. Theo đó, tỉnh kiến nghị về triển khai Dự án vành đai 4 đoạn qua tỉnh địa phận Hưng Yên, đề xuất cho phép vừa lập vừa điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thiết kế thi công, trong đó có các công trình xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các hạng mục thuộc Dự án thành phần 1 đường vành đai 4 vùng Thủ đô.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng kiến nghị cho phép phân giai đoạn thực hiện cho công tác thi công trên cơ sở đảm bảo tính đồng bộ cho toàn công trình.

Đọc tiếp