Thúc đẩy hợp tác và bảo tồn lưu vực sông Mekong

Ngày Mekong MRC
14:01 - 12/04/2024
Đại diện các quốc gia thành viên khu vực sông Mekong tại Lễ kỷ niệm Ngày Mekong lần thứ 29. Ảnh: MRC
Đại diện các quốc gia thành viên khu vực sông Mekong tại Lễ kỷ niệm Ngày Mekong lần thứ 29. Ảnh: MRC
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện từ các quốc gia thành viên Ủy ban sông Mekong (MRC) cùng các đối tác phát triển thảo luận sáng kiến nhằm bảo tồn và cải thiện "sức khỏe" của lưu vực sông Mekong.

Tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Uỷ ban sông Mekong (5/4/1995 - 5/4/2024) tổ chức tại Lào ngày 5/4/2024, ông Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC nhận định, trong 29 năm qua, các quốc gia Mekong đã hợp tác nhiều hơn trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến sông Mekong và so với 5 - 10 năm trước, sông Mekong đã có sự thay đổi đáng kể.

Sản lượng kinh tế của lưu vực sông Mekong đạt 63 tỷ USD vào năm 2020, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành thủy điện, sản xuất lúa gạo, du lịch, vận tải đường thủy và nuôi trồng thủy sản. Bất chấp những thách thức, sông Mekong vẫn là nơi có nghề cá nước ngọt hoang dã lớn nhất trên toàn cầu, sản lượng từ 1,5 – 1,7 triệu tấn cá và động vật thủy sinh hàng năm, trị giá 8,4 tỷ USD.

Về mặt xã hội, đã có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện khả năng tiếp cận lương thực, nước sạch, vệ sinh và điện, dẫn đến giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và các bệnh liên quan đến nước tại các quốc gia lưu vực sông Mekong.

Tuy nhiên, hiện nay, khu vực này cũng phải đối mặt với những thách thức môi trường cấp bách. Lưu vực sông Mekong đã trải qua điều kiện khí tượng thủy văn thất thường vào năm 2023, bao gồm hạn hán, bão nhiệt đới, lũ lụt dữ dội.

Việc lưu trữ của một số dự án cơ sở hạ tầng nước đã giúp giảm bớt lũ lụt ở một mức độ nào đó. Nhưng trong phần lớn mùa mưa, vùng hạ Mekong đã trải qua lưu lượng thấp hơn so với lịch sử. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến Dòng chảy ngược vào Tonle Sap, hồ nước biểu tượng và lớn nhất Đông Nam Á. Kể từ năm 2020, Dòng chảy ngược luôn đến muộn, phạm vi mở rộng ít hơn đáng kể so với cần thiết và thời gian duy trì ngắn hơn nhiều so với thông thường.

Điều đó khiến MRC lo ngại về sự sụt giảm trầm tích đáng kể ở hạ lưu. Kể từ năm 2009, Phnom Penh đã chứng kiến sự giảm 70%, và Tân Châu giảm 50%. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, một nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ có 2-4 triệu mét khối cát tự nhiên được bồi đắp.

Hơn nữa, xu hướng suy giảm cân bằng trầm tích trên toàn lưu vực, xâm nhập mặn và ô nhiễm nhựa gây ra những mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe sinh thái của khu vực.

Điều may mắn là chất lượng nước tổng thể của sông Mekong không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong số 22 địa điểm đo, 15 địa điểm được xếp loại "tuyệt vời" và 5 địa điểm được xếp loại "tốt".

MRC đã có những nỗ lực chung nhằm giải quyết các thách thức và thúc đẩy sự phát triển bền vững ở lưu vực sông Mekong.

Tổng Thư ký nhấn mạnh các công việc quan trọng đang được tiến hành nhằm chủ động quy hoạch lưu vực để mang lại các khoản đầu tư chung và các dự án toàn lưu vực tốt hơn; giảm nhẹ tác động xuyên biên giới của các cơ sở hạ tầng hiện có; mở rộng giám sát, chia sẻ dữ liệu, dự báo và tiếp cận để thông tin đến đúng các bên liên quan kịp thời; và đầu tư cải thiện đời sống của người dân dễ bị tổn thương.

Ông Kittikhoun cho biết, trong năm 2024 MRC sẽ công bố Báo cáo Hiện trạng Lưu vực và ra mắt Bản đồ sông Mekong. Mekong Atlas bao gồm 62 bản đồ trình bày dữ liệu, thông tin và phân tích lưu vực sông Mekong.

Hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong

Đại diện các quốc gia thành viên Ủy ban sông Mekong (MRC) cùng các đối tác phát triển chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm Ngày Mekong lần thứ 29. Ảnh: MRC

Đại diện các quốc gia thành viên Ủy ban sông Mekong (MRC) cùng các đối tác phát triển chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm Ngày Mekong lần thứ 29. Ảnh: MRC

Tại sự kiện, Giám đốc điều hành Ban thư ký MRC đã kêu gọi sự hợp tác giữa các quốc gia, tăng cường quan hệ với Trung Quốc ở thượng nguồn, xây dựng quan hệ với các nước ASEAN và duy trì quan hệ đối tác trên toàn thế giới.

MRC thông báo khoản đầu tư 12 triệu USD từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) dành cho việc quản lý nghề cá xuyên biên giới, nhằm cải thiện chuỗi giá trị, kết nối và đưa ra các giải pháp sinh kế khả thi.

MRC cũng tuyên bố tiếp tục dự án “Hợp tác nước xuyên biên giới ở lưu vực hạ nguồn sông Mekong” với sự hợp tác của Chính phủ Đức. Theo đó, CHLB Đức cam kết bổ sung 5 triệu euro (khoảng 5,42 triệu USD) để hỗ trợ dự án, kéo dài từ tháng 1/2025 - 12/2027, tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới và quản lý nước bền vững trong khu vực.

Bà Annette Knobloch, Đại sứ Đức tại Lào, cho biết: “Đức sẽ tiếp tục hợp tác với Ủy ban sông Mekong trên lộ trình cung cấp các dịch vụ quản lý tài nguyên nước tổng hợp, không chỉ dọc theo dòng chính sông Mekong mà còn trên phạm vi toàn lưu vực.”

Chính phủ Canada cũng đóng góp 2 triệu CAD (khoảng 1,48 triệu USD) vào quỹ MRC để phát triển tổ chức. Nguồn tài trợ này sẽ được sử dụng để thực hiện các hoạt động thiết yếu có ý nghĩa quan trọng đối với việc quản lý bền vững lưu vực sông Mekong.

Đại sứ Canada tại Lào, Thái Lan và Campuchia, bà Ping Kitnikone chia sẻ: "Quản trị tài nguyên nước ở lưu vực sông Mekong đang nổi lên như một vấn đề kinh tế và an ninh quan trọng ở Đông Nam Á, và là một lĩnh vực ưu tiên ngày càng tăng đối với sự tham gia của Canada theo Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chúng tôi."

Trước đó, ngày 28/1/2024, Indonesia và MRC đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai và quản lý tài nguyên nước.

Sự hợp tác sẽ tập trung vào nâng cao năng lực, trao đổi chuyên môn kỹ thuật và thực hiện chương trình trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm quản lý tài nguyên nước, thủy lợi, khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai, đánh bắt cá nội địa bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến nước và du lịch.

Indonesia là quốc gia đầu tiên trong ASEAN ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với MRC.

Dựa trên sự hợp tác từ năm 1957 của Ủy ban Mekong (MRC), Ủy hội sông Mekong được thành lập thông qua Hiệp định Mekong năm 1995, khi bốn nước ký kết nhất trí hợp tác phát triển, quản lý, sử dụng và bảo tồn tài nguyên nước trong các lĩnh vực như thủy sản, lũ lụt và hạn hán, nông nghiệp và thủy lợi, thủy điện và giao thông thủy.

Ba hành động chiến lược của MRC

Về kinh tế. Quy hoạch vùng chủ động đưa ra những ý tưởng mới cho các dự án đầu tư chung và các dự án quốc gia có ý nghĩa đối với lưu vực: lưu trữ nước theo mùa và hệ thống bơm, bổ sung năng lượng mặt trời và gió, các công nghệ tưới tiêu tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào các cảng hàng hải, dịch vụ thông tin sông và các quy tắc chung để tăng cường thương mại.

Về môi trường. Để duy trì sự cân bằng môi trường, MRC làm việc với các quốc gia để đảm bảo tránh, giảm nhẹ và giảm thiểu những tác động bất lợi đáng kể từ các dự án phát triển lớn (đánh giá tác động môi trường, thu thập, chia sẻ dữ liệu và giám sát tình hình hoạt động của các con đập (trên mặt đất và qua vệ tinh) để có cảnh báo sớm...

Con người. Tất cả mọi hành động đều đặc biệt chú ý đến những người dễ bị tổn thương. Dữ liệu chia sẻ, cung cấp thông tin kịp thời, tư vấn và phổ biến sẽ giúp người dân chuẩn bị tốt hơn cho những thay đổi và thảm họa.

Tin liên quan

Đọc tiếp