Ảnh minh họa: Tính đến hết tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính đều có kết quả kim ngạch tăng vượt trội so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam đạt 8,2 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc & Hong Kong và Mỹ có cùng giá trị 1,5 tỷ USD, tăng lần lượt 20% và 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, giá trị thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; EU cũng đạt 875 triệu USD, tăng 10% YoY.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nhìn chung ghi nhận tăng trưởng tốt trong 10 tháng đầu năm 2024. Đối với tôm, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tôm chân trắng có tỷ trọng cao nhất với 2,3 tỷ USD; đứng sau là tôm sú với 376 triệu USD và 541 triệu USD từ tôm loại khác.
Trong kỳ, Trung Quốc & Hong Kong là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với 676 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với 646 triệu USD, tăng 10% YoY. Kim ngạch xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và EU đạt 424 triệu USD và 408 triệu USD, Hàn Quốc đạt 269 triệu USD...
VASEP cho biết, tôm xuất khẩu sang Mỹ và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định, trong khi Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Tại Mỹ, tâm lí thị trường và tình hình kinh tế lạc quan hơn, tồn kho giảm, cung cầu được cân bằng trở lại, do đó nhu cầu nhập khẩu tôm từ Mỹ dự kiến sẽ cao hơn và giá tôm trên thị trường này cũng được cải thiện và có chiều hướng tăng.
Theo VASEP, năm 2024, nền kinh tế thế giới ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, bao gồm lạm phát hạ nhiệt, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính tăng, sản lượng tôm không tăng “nóng” như năm trước, giá tôm thế giới có chiều hướng tăng. Trong bối cảnh này, tôm xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt mục tiêu 4 tỷ USD trong năm nay.
Đối với cá tra, 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá tra phile đông lạnh (mã HS 0304) tiếp tục là mặt hàng chủ lực của ngành khi mang về 1,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 5% YoY.
Cá tra khô và các sản phẩm đông lạnh khác (nguyên con, cắt khúc...) cũng đạt 314 triệu USD, tăng 24% YoY; sản phẩm giá trị gia tăng của cá tra đạt 37 triệu USD, tăng 52% YoY.
Tại các thị trường, Trung Quốc & Hong Kong dẫn đầu thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam với 479 triệu USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ lại tăng 28% YoY, đạt 291 triệu USD; sang CPTPP cũng tăng 11% YoY, đạt 224 triệu USD. Giá trị cá tra xuất khẩu sang EU gần tương đương với cùng kỳ khi chỉ tăng 0,04% YoY, ở mức 144 triệu USD.
Đối với cá ngừ, lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu về 821 triệu USD từ việc xuất khẩu mặt hàng này, tương ứng tăng 19% YoY. Sự phục hồi tại các thị trường chính đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng cao trong kỳ.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng 17% YoY, lên mức 318 triệu USD; sang Israel tăng 55% YoY lên 57 triệu USD; sang Nga tăng tới 80% YoY lên 38 triệu USD; sang Cananda tăng 13% YoY, đạt mức 30 triệu USD.
VASEP cho rằng, nếu duy trì được đà tăng trưởng tốt trong các tháng cuối năm, cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam có thể kết thúc năm 2024 với kim ngạch khoảng một tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.