Nhiều bluechip giao dịch tiêu cực trong phiên 14/2. |
VN-Index giảm hơn 5 điểm so với kết phiên hôm qua, về mốc 1.038,64 điểm. Xét trong phiên thì có thời điểm, chỉ số đã giảm tới hơn 10 điểm. Ngược lại, HNX-Index và UPCoM tăng lần lượt 0,37 và 0,74 điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh trên 3 sàn đạt 7.000 tỷ đồng, trong đó sàn HoSE chiếm 6.700 tỷ đồng. Đây là lần thứ 3 kể từ tháng 11/2020, giá trị khớp lệnh trên HoSE xuống dưới mức 7.000 tỷ đồng. Lần gần nhất là vào phiên 3/11 với con số 6.985 tỷ đồng.
Riêng khối ngoại đã chiếm 2.000 tỷ đồng giao dịch trên HoSE. Họ mua ròng nhẹ 56 tỷ đồng, tập trung gom HPG (96 tỷ đồng), KBC (21 tỷ đồng), VND (19 tỷ đồng), HSG (15 tỷ đồng), MSN, HDB (hơn 10 tỷ đồng)… Ngược lại, VIC bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 43 tỷ đồng, tiếp sau là STB 40 tỷ đồng, VHM 36 tỷ đồng, DXG 22 tỷ đồng, DGC 17 tỷ đồng…
Thanh khoản nhỏ giọt cho thấy tâm lý thận trọng vẫn chiếm lĩnh thị trường. Nhóm bluechip phân hóa với giao dịch đáng chú ý nhất vẫn tại NVL, khi tiếp tục nằm sàn tại 11.950 đồng từ khá sớm, mặc dù không ít nhà đầu tư lao ra bắt đáy với 10,4 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tuy nhiên kết phiên, cổ phiếu này vẫn có tới hơn 13 triệu đơn vị dư bán sàn.
Một cổ phiếu bất động sản khác là PDR cũng giảm sàn trong phiên hôm qua và có thời điểm giảm hết biên độ trong phiên sáng nay. Nhờ dòng tiền bắt đáy khớp lệnh hơn 13 triệu đơn vị nên kết phiên mã thu hẹp biên độ giảm xuống còn -5,8%.
Tại nhóm bluechip, VHM cũng gây gánh nặng lớn khi giảm tới 3,7%. Áp lực giảm điểm còn đến từ các mã ngân hàng như BID và HDB giảm hơn 2%. ACB, CTG, MBB, STB, VCB, VPB đều ở chiều giảm.
Ngược lại, HPG có tác động tích cực nhất khi tăng 2,2% giá trị. Ngoài ra còn có SSI, TPB, TCB, VIB, POW, BVH cũng nỗ lực kéo chỉ số.
Do thanh khoản thấp nên dù thị trường giảm điểm, các nhóm ngành cổ phiếu không có sự điều chỉnh lớn. Nhóm chứng khoán tăng mạnh nhất chỉ +1,7% vốn hóa, còn nhóm bất động sản giảm mạnh nhất cũng chỉ âm -1,4%, thậm chí số lượng cổ phiếu tăng giá còn nhiều hơn số lượng cổ phiếu giảm giá.
Về các cổ phiếu riêng lẻ gây chú ý thời gian gần đây, VNZ của CTCP VNG tiếp tục tăng trần lên mức giá 1.181.500 đồng/cp, là mã chứng khoán đắt đỏ nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập đến nay.
Cổ phiếu EIB của Ngân hàng Eximbank sau 2 phiên giảm sàn đã bật tăng trở lại, là mã tăng mạnh nhất trong nhóm bank với tỷ lệ +3,5%. Sáng nay, EIB tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường lần 2 để thông qua việc bầu bổ sung 3 thành viên vào HĐQT.
Nói về giao dịch cổ phiếu EIB thời gian qua, bà Lương Thị Cẩm Tú – Chủ tịch HĐQT EIB cho biết, việc mua bán cổ phiếu của các cá nhân trên thị trường chứng khoán là hoàn toàn độc lập với hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ngân hàng hiện vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật và sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để đảm bảo sự minh bạch cho thị trường.