Trụ sở Vinaconex tại 34 Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội. |
Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - HOSE: VCG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024, ghi nhận doanh thu thuần suy giảm 39% so với cùng kỳ về còn 2.800 tỷ đồng. Dù biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 9,4% cùng kỳ lên 12,1% quý này, lợi nhuận gộp của VCG vẫn giảm 21% về còn 340 tỷ đồng.
Chi phí lãi vay trong kỳ giảm hơn nửa xuống 104 tỷ đồng. Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm so với quý 2/2023, giảm lần lượt 96% và 28% về còn 1,1 tỷ đồng và 75 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế phí, Vinaconex báo lãi sau thuế tăng 25% so với cùng kỳ lên 163 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt gần 117 tỷ đồng, tăng 13% so với quý 2/2023.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Vinaconex ghi nhận 5.449 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 646 tỷ đồng, lần lượt giảm 16,6% và tăng 265% so với nửa đầu năm 2023, tương ứng hoàn thành 36% kế hoạch doanh thu và 68% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2024.
Lợi nhuận của Vinaconex tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ dù doanh thu giảm sút, chủ yếu do biên lợi nhuận gộp tăng từ 12,8% lên 20%. Bên cạnh đó, các chi phí cũng được tiết giảm đáng kể so với 6 tháng đầu năm 2023, trong đó chi phí tài chính giảm từ 490 tỷ đồng về còn 236 tỷ đồng.
Bóc tách cơ cấu doanh thu, mảng xây lắp đem về cho doanh nghiệp 3.482 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ và chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận gộp 137 tỷ đồng, tức biên lợi nhuận đạt chưa tới 4%. Song con số này đã cải thiện hơn so với năm 2023. Năm ngoái, Vinaconex ghi nhận lỗ gộp 242 tỷ đồng từ mảng xây lắp.
Doanh thu từ mảng cho thuê, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác tăng vọt gấp 2,2 lần lên 1.030 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu từ mảng sản xuất công nghiệp cũng tăng 42% lên 502 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Vinaconex giảm 6,68% so với thời điểm đầu năm về còn 28.644 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả cũng giảm 12,8% về còn 17.837 tỷ đồng, với 8.920 tỷ đồng là nợ vay tài chính, bao gồm 5.135 tỷ đồng vay ngắn hạn và 3.785 tỷ đồng vay dài hạn.