Khai mạc Triển lãm Thương mại Quốc tế Chiết Giang 2023 - Hội chợ Hàng hóa Xuất khẩu Chiết Giang tại Việt Nam lần thứ 11. Ảnh: Anh Thư |
Triển lãm có quy mô trưng bày trên 4.000 m2, với 120 gian hàng trưng bày sản phẩm thuộc trên nhiều ngành hàng, trong đó chủ yếu là sản phẩm nội ngoại thất, vật liệu trang trí; máy móc, sản phẩm điện tử; dệt may và sản phẩm tiêu dùng.
Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ Trưởng Vụ Thị Trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, triển lãm này là hoạt động đánh dấu sự khôi phục hoàn toàn của các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại song phương giữa tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) với Việt Nam sau 3 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo, định hướng trực tiếp của lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2022, quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục được củng cố, tăng cường và bổ sung những định hướng chiến lược mới trong tương lai.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ Trưởng Vụ Thị Trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương. Ảnh: Anh Thư |
Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trong năm 2022.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới khó khăn đã khiến hoạt động thương mại giữa hai nước có sự sụt giảm trong 8 tháng năm 2023. Do đó, ông Ngọc Sơn kỳ vọng triển lãm lần này sẽ có thể tạo ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa cho doanh nghiệp hai bên, góp phần khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế toàn cầu và khu vực.
Chia sẻ thêm, ông Tô Ngọc Sơn cho biết, trong tổng thể hợp tác với Trung Quốc, Bộ Công Thương Việt Nam rất coi trọng vai trò của tỉnh Chiết Giang - địa phương cửa ngõ quan trọng ở khu vực phía Đông Trung Quốc. Với thế mạnh và quy mô kinh tế của tỉnh Chiết Giang, có thể thấy tiềm năng, nhu cầu hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam và tỉnh Chiết Giang vẫn còn rất lớn.
Về phía đại diện Ban tổ chức Trung Quốc, bà Chu Hoằng, Giám đốc Công ty TNHH Triển lãm quốc tế Viễn Đại, Chiết Giang, cho biết, đây là triển lãm có quy mô lớn nhất mà tỉnh Chiết Giang tổ chức ở nước ngoài, thể hiện sự quan tâm, mong muốn xúc tiến thương mại của tỉnh với Việt Nam.
Bà Chu Hoằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Triển lãm quốc tế Viễn Đại, Chiết Giang. Ảnh: Anh Thư |
Hiện, Việt Nam là đối tác hợp tác quan trọng của Chiết Giang trong khu vực ASEAN, với nền tảng thương mại vững chắc, các ngành công nghiệp bổ sung lẫn nhau và triển vọng hợp tác rộng lớn.
Bà Chu Hoằng hy vọng rằng Triển lãm sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc nâng cao mức độ hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Chiết Giang.
Nói riêng về lĩnh vực dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ rằng, triễn lãm có thể là cơ hội để thu hút các doanh nghiệp sản xuất dệt may Trung Quốc nói chung, Chiết Giang nói riêng vào Việt Nam.
Đồng thời, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng có cơ hội trao đổi, hợp tác với các doanh nghiệp Chiết Giang trong đó có Hàng Châu - thủ phủ ngành dệt may của Trung Quốc - để xây dựng thương hiệu riêng cho dệt may Việt Nam, hướng tới xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu của Việt Nam.
Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Anh Thư |
Là một doanh nghiệp tham dự triển lãm, bà Phan Hồng, Giám đốc Kinh doanh của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ức Hoàng cho biết, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm bình hoa, bộ cốc, đồ trang trí bằng thủy tinh, các sản phẩm của công ty đã được nhập khẩu vào Việt Nam thông qua các thương nhân từ trước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên công ty tới tham dự triển lãm tại Việt Nam.
Theo bà Phan Hồng, việc tham dự triển lãm lần này là cơ hội để Ức Hoàng có thể tiếp cận nhiều hơn tới các khách hàng tại Việt Nam, từ đó tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu, thói quen tiêu dùng, sức mua của người Việt để có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn nữa các sản phẩm cho thị trường Việt Nam. Xa hơn, Ức Hoàng dự kiến sẽ thành lập văn phòng đại diện ở Việt Nam để chủ động hơn trong việc cung cấp và kết nối với các đối tác tại đây.
Bà Phan Hồng, Giám đốc Kinh doanh của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ức Hoàng. Ảnh: Anh Thư |
Triển lãm Thương mại Quốc tế Chiết Giang 2023 - Hội chợ Hàng hóa Xuất khẩu Chiết Giang kéo dài 3 ngày từ 28 - 30/9 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Hà Nội, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, do Sở Thương mại tỉnh Chiết Giang chủ trì, được đồng tổ chức bởi Công ty TNHH Triển lãm Quốc tế Yuanda Chiết Giang và VINEXAD.
Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đạt 20,56 tỷ USD, tăng 16,85% so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 4 trong số các địa phương Trung Quốc có quan hệ thương mại với Việt Nam và chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Trong đó, khẩu của Chiết Giang sang Việt Nam là 14,49 tỷ USD, tăng 17,99% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam là 6,07 tỷ USD, tăng 14,21%.
Chiết Giang là một tỉnh nằm ở ven biển phía Đông Nam của Trung Quốc, là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển nhất tại Trung Quốc. Chiết Giang cũng là tỉnh có số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ nhiều nhất, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân cao nhất tại Trung Quốc.