Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 26/10. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Chiều 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và các vấn đề kinh tế xã hội. Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự và phát biểu tại Tổ 12.
Định hướng một số quan điểm lớn trong việc sửa đổi Luật Điện lực, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến sự cần thiết sửa đổi luật này trước yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng, năng lượng – một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt, đột phá đối với sự phá triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tổng Bí thư cho biết, Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn là thiếu điện. Vì vậy, bên cạnh môi trường đầu tư tốt kinh doanh thuận lợi cũng cần tính toán đến sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Và vấn đề làm thế nào để đáp ứng nguồn năng lượng cho phát triển thì Luật Điện lực phải trả lời được.
Vấn đề thứ hai Tổng Bí thư đề cập là điện sạch. Việt Nam đã cam kết năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0. Nếu tương lai thiếu điện sạch thì hàng hóa sản xuất của nước ta sẽ phải chịu giá khác, chịu thuế khác, không đủ sức cạnh tranh với thế giới.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh đến việc tính toán quy hoạch điện, vận tải điện hài hòa giữa các vùng, miền trong cả nước. Ông nêu thực tế, có những tỉnh không sản xuất điện nhưng tiêu thụ điện rất lớn, nhưng có những địa phương sản xuất được điện mà người dân chưa được dùng điện. Do đó, Chính phủ, Nhà nước cần làm tốt nhiệm vụ điều hòa điện.
Dẫn chứng việc đường dây 500 kV mạch 3 chiều dài 514km nối từ Quảng Trạch ra Phố Nối (Hưng Yên) mới được hoàn thành giúp điều hòa nguồn điện giữa các vùng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, các địa phương cần bổ trợ cho nhau, nơi này phát triển thủ phủ công nghiệp, nơi kia phát triển trung tâm điện năng và phải có đường vận tải như mạch 3.
“Tôi vào trong Quảng Trị thấy rất tiềm năng về phát triển điện sạch, điện gió, điện ngoài khơi. Các đồng chí báo cáo tính toán khoảng 10.000 MW/năm, tức khoảng 10.000 tỷ thu nhập từ năng lượng này. Chưa kể là mua điện từ Lào sang, qua đường Quảng Bình, Quảng Trị là gần nhất, thuận lợi nhất,” Tổng Bí thư dẫn chứng về tiềm năng sản xuất điện của địa phương.
Theo Tổng Bí thư, để đáp ứng được nhu cầu điện sạch trong tương lai thì cần tính toán tất cả các nguồn, từ điện gió, điện mặt trời, điện ngoài khơi... đến cả điện hạt nhân.
Về phát triển điện hạt nhân, trước đây Việt Nam đã có chủ trương nhưng vì một số lý do nên tạm dừng lại. “Tại Hội nghị Trung ương 10, chúng ta đã nhất trí phải khởi động lại, phải có chủ trương nghiên cứu về vấn đề này để xin ý kiến Quốc hội. Phải có chủ trương thì ít nhất 5-10 năm nữa may ra mới lại có nhà máy điện hạt nhân,” Tổng Bí thư nói.
Trước những vấn đề cấp bách đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng Luật điện lực (sửa đổi) phải định hướng, phải cụ thể hóa những chủ trương của Đảng; phải đưa pháp lý làm sao để đảm bảo được yêu cầu đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, nhu cầu điện của quốc gia; phát triển, điều hoà, quy hoạch thế nào... Đặc biệt là phải đảm bảo được nguồn điện sạch để công bố thế giới, để các nhà đầu tư yên tâm.
“Phải tính làm sao để đủ điện, công suất như thế nào, bố trí ở đâu, công nghệ gì? Đây mới là chủ trương. Tất cả những việc đó phải bàn, phải tính để làm sao phải rất chủ động. Không thể chờ mấy năm để khảo sát, mấy năm để giải phóng mặt bằng, mấy năm để đi tìm công nghệ, đi tìm vốn nữa, trong khi năm 2045 đến nơi rồi. Thời gian không cho phép, chúng ta phải làm rất nhanh, rất đồng bộ trong những khâu này," Tổng Bí thư chỉ đạo.