Tái khởi động dự án điện hạt nhân sau gần một thập kỷ
Tại họp báo thường kỳ quý 3/2024 của Bộ Công Thương chiều 23/10, liên quan đến dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, một trong những điểm mới tại dự thảo luật là đề cập tới phát triển điện hạt nhân.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất phát triển điện hạt nhân theo chủ trương Nhà nước sẽ độc quyền trong đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện loại này do đây là dự án quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Quy hoạch phát triển điện hạt nhân sẽ được thiết kế đồng bộ với quy hoạch phát triển điện đảm bảo mục tiêu an ninh cung cấp điện.
Việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định pháp luật khác. Các dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng để đảm bảo an toàn cao nhất.
Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phát biểu tại họp báo. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN. |
Trước đó, từ năm 2009, Việt Nam đã nghiên cứu triển khai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận theo nghị quyết của Quốc Hội. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố đặc biệt là vấn đề nhân lực, tài chính có nhiều khó khăn, đến ngày 22/11/2016, Quốc hội đã quyết định tạm dừng nghiên cứu triển khai dự án điện hạt nhân này.
Cũng theo Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hiện nay tình hình của đất nước và thế giới có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là về nguồn lực nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu tình hình phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tới.
"Đây là điều cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, trung hòa carbon, thực hiện theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26. Tuy nhiên, việc phát triển điện hạt nhân như thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá toàn diện, đề xuất trong Quy hoạch điện VIII để rà soát điều chỉnh. Bên cạnh đó, sẽ có đề án cụ thể để đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng sau khi có chủ trương phát triển điện hạt nhân và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt," ông Hùng nói.
Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, theo chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện quy hoạch điện, Bộ Công Thương đang nghiên cứu lại thực tiễn để đánh giá việc có nên triển khai điện hạt nhân hay không.
"Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế cho thấy, với sự phát triển của năng lượng tái tạo thì vai trò của điện nền, trong đó có điện hạt nhân là rất quan trọng. Thực tế, một số nước có nhu cầu phát triển tăng gấp 2-3 lần điện hạt nhân. Như với Nhật Bản, Pháp tính toán tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu nguồn điện là 20-25%, dù ở Nhật Bản từng xảy ra sự cố về điện hạt nhân," Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho ý kiến tại buổi họp báo. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN. |
Về công nghệ phát triển điện hạt nhân, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, chắc chắn khi triển khai sẽ lựa chọn công nghệ thế hệ mới đã được áp dụng thực tiễn nhằm đảm bảo tối đa an toàn, đưa rủi ro về bằng 0.
Cũng theo ông Tân, việc phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới còn phụ thuộc vào việc xin chủ trương cấp có thẩm quyền. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ theo nhiệm vụ được giao tiến hành nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch điện để triển khai, từ đó tính toán việc đầu tư, kỹ thuật, công nghệ và các vấn đề khác.
Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ khắc phục những bất cập
Thông tin tại họp báo, ông Nguyễn Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay, Luật Điện lực được ban hành năm 2004 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2012, 2018, 2022 và 2023. Tuy đã có 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng hiện nay, nhiều quy định của Luật Điện lực hiện hành đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không thể giải quyết được các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.
"Vì vậy, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết, cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng. Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả.
Từ đó, hướng tới đạt mục tiêu tăng gấp đôi công suất đặt toàn hệ thống vào năm 2030 và thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân," ông Hòa nhận định.
Ông Nguyễn Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực phát biểu tại họp báo. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN. |
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến chuyển dịch năng lượng, ông Trần Việt Hòa cho hay, điều 94, 95, 96 của dự thảo luật có đề cập đến nội dung này. Tuy nhiên, xuyên suốt Luật Điện lực qua các chương đều thể hiện các nội dung quy định thực hiện về chuyển dịch năng lượng, từ nội dung liên quan đến chuyển dịch các nhà máy điện hiện hữu sang sử dụng nguồn điện thân thiện với môi trường, cũng như phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Cũng theo ông Trần Việt Hoà, Luật Điện lực lần này đã cụ thể hoá những cơ chế, chính sách giá điện, cơ cấu biểu giá điện, đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho cơ sở sản xuất kinh doanh điện, điện tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề mua bán điện mặt trời tự sản, tự tiêu, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chỉ ra, theo điều 25 của Nghị định 135 mới được ban hành, các tổ chức, cá nhân thực hiện bán điện cho đơn vị bán điện trước ngày 1/12/2021 không được đăng ký bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo đó, ông Hùng cho hay, để được bán điện cho EVN, Nghị định quy định các tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu trong quy hoạch điện quốc gia thuộc đối tượng cho phép gửi hồ sơ tới cơ quan chức năng ghi nhận sản lượng điện dư và đăng ký lên cơ quan có thẩm quyền.
Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề, do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.
Trước đó, chiều 21/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, chính sách phát triển điện hạt nhân là vấn đề mới được nêu tại dự thảo luật. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ Công Thương soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định quy định nội dung này và mức độ quy định trong dự thảo luật với phát triển điện hạt nhân. Bên cạnh đó, cần rà soát, làm rõ quy định liên quan các lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư. |