Sáng 10/4, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, hội nghị diễn ra sớm hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu.
Theo Tổng Bí thư, vì khối lượng công việc cần giải quyết tại hội nghị lần này lớn, phạm vi rộng, nhiều nội dung nhạy cảm liên quan đến "quốc kế dân sinh", các tờ trình sẽ không được trình bày lại tại hội nghị để dành thời gian cho các đại biểu nghiên cứu, đóng góp ý kiến.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng 10/4. Ảnh: VGP |
Sắp xếp đơn vị hành chính còn 34 tỉnh, thành, giảm 50% số xã
Về nhóm vấn đề tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Tổng Bí thư cho biết trong hơn 4 tháng qua, thực hiện các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận ở cấp Trung ương.
Theo Tổng Bí thư, những con số về tinh giảm đầu mối, hiệu quả công việc, tiết kiệm chi phí đã thể hiện rõ tính cách mạng trong việc tinh gọn này. Song, mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa thật hoàn thiện, nhất là ở địa phương. Vì vậy, để tiếp tục cuộc cách mạng tinh giản tổ chức bộ máy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp nhiều phiên, “bàn bạc thấu đáo nhiều khía cạnh và thống nhất cao” trình Trung ương Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ Chính trị và Ban Bí thư cũng trình Trung ương Đề án về hệ thống tổ chức Đảng ở địa phương; Đề án về sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; các Đề án về sắp xếp các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát; và các Đề án về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành điều lệ Đảng, các quy định về kiểm tra, giám sát Đảng để bảo đảm triển khai đồng bộ.
Tổng Bí thư đánh giá Đề án về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cùng với các Đề án kèm theo là những vấn đề "rất hệ trọng, có tính lịch sử". Đây không chỉ là sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ; mà còn phân cấp về thẩm quyền; bố trí lại đơn vị hành chính; phân bổ về nguồn lực; tạo không gian phát triển. Mục tiêu là xây dựng Chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời, mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là cho 100 năm tới.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các đại biểu Trung ương tập trung cho ý kiến những nội dung theo gợi ý thảo luận gửi kèm theo từng Đề án, với tư duy đổi mới, tinh thần cách mạng triệt để về sự phát triển của đất nước và vì nhân dân.
“Nhất là những vấn đề lớn như về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh còn 34 tỉnh, thành phố, không tổ chức cấp huyện, giảm khoảng 50% đơn vị hành chính cấp xã, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gắn phân cấp, phân quyền. Đặc biệt là cấp xã sau khi sáp nhập, làm thế nào để thực sự gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn", Tổng Bí thư nêu rõ.
Tìm ra được những việc cần làm ngay từ chính động lực của mình
Về nhóm vấn đề tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Tổng Bí thư cho biết, từ sau Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị đã quyết liệt chỉ đạo chuẩn bị các công việc, trọng tâm là hai nhóm vấn đề văn kiện và nhân sự.
Về văn kiện, cùng với việc gửi dự thảo tóm tắt lấy ý kiến cấp cơ sở, Bộ Chính trị đã chỉ đạo bổ sung nhiều nội dung mới, mang tính đột phá. Văn kiện được xây dựng theo phương châm Báo cáo chính trị là "ngọn đuốc soi đường", các báo cáo khác là "cẩm nang hành động".
Nội dung xuyên suốt của các văn kiện thể hiện sự kiên trì không thay đổi con đường xã hội chủ nghĩa; giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa ổn định và phát triển, bám sát mục tiêu lớn là "đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân"; quyết tâm hiện thực hóa 2 mục tiêu 100 năm của đất nước.
Nhận định rằng đây là những mục tiêu rất cao, phấn đấu thực hiện rất khó khăn, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng bày tỏ mong muốn được nghe kiến nghị, giải pháp để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng liên tục hai con số những năm tiếp theo theo trong bối cảnh tiến hành cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, cũng như trong tình hình "chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu".
"Điều quan trọng nhất với nội dung này là các đồng chí ở từng địa phương, bộ, ngành phải tìm ra được những việc cần làm ngay từ chính động lực của mình thì mới có thể đạt được các chỉ tiêu đề ra,” Tổng Bí thư cho biết.
Công tác nhân sự là vấn đề "then chốt" của "then chốt"
Về nhân sự, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là vấn đề "then chốt của then chốt" để hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn của Đại hội XIV của Đảng. Theo Tổng Bí thư, yêu cầu nhiệm vụ cao hơn, đòi hỏi mặt bằng đội ngũ cán bộ cao hơn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Vì vậy, công tác nhân sự phải được chuẩn bị từ sớm và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cho đến khi Đại hội Đảng XIV diễn ra.
Tổng Bí thư cho biết, Bộ Chính trị đã chỉ đạo rà soát, bổ sung dự thảo phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phù hợp với cơ cấu của mô hình tổ chức mới; rà soát, đề xuất Trung ương bổ sung quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Theo Tổng Bí thư, tất cả các công việc quan trọng này đều hướng đến mục tiêu tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và tổ chức Đại hội lần thứ XIV của Đảng dự kiến diễn ra vào quý 1/2026 theo đúng kế hoạch đề ra.
Đồng thời, để góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIV đi ngay vào cuộc sống, Bộ Chính trị trình Trung ương đề án về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031", với chủ trương là tổ chức bầu cử sớm hơn và cải cách, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.