Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu. Ảnh: VGP. |
Đây là thông tin được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nêu tại cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu sáng 3/3.
Thông tin về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng cho biết năm 2023 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế Việt Nam cũng đạt được những kết quả quan trọng, trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu trong đó có sự đóng góp tích cực, quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước.
Tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của doanh nghiệp Nhà nước khoảng 1,65 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023, trong đó doanh thu của riêng 19 tập đoàn, tổng công ty và Tập đoàn Viettel đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước.
Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp Nhà nước khoảng 125.800 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm, đóng góp ngân sách Nhà nước ước thực hiện khoảng 166.000 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.
Năm 2023, các doanh nghiệp Nhà nước đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư đúng tiến độ theo kế hoạch được duyệt. Riêng 19 tập đoàn, Tổng công ty có tổng vốn đầu tư giải ngân ước đạt 161.000 tỷ đồng so với 208.328 tỷ đồng được giao, đạt gần 80% kế hoạch năm.
Nhiều dự án trọng điểm được các doanh nghiệp Nhà nước đẩy nhanh tiến độ triển khai gồm Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3,4, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây…
Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: VGP |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cho biết các doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Một số doanh nghiệp Nhà nước chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực, vốn, tài sản Nhà nước giao, giải ngân vốn đầu tư cả năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra.
Một số doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số còn hạn chế, công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm, chưa tiệm cận với các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt.
Tỷ trọng nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của các doanh nghiệp Nhà nước chưa đạt yêu cầu, chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực, sức lan tỏa nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao (sản xuất chip bán dẫn, hydrogen...).
Theo Bộ trưởng những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Một số vướng mắc về cơ chế chính sách chưa được kịp thời tháo gỡ, các quy định pháp luật liên quan về quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn và tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu… chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đầu tư kinh doanh và quản trị điều hành doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành về doanh nghiệp Nhà nước nói chung chưa thật sự phân cấp, chưa trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp chủ động quyết định hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Để các tận dụng tốt các nguồn lực, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ được đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP như: Xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục.
Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch điện VIII; chuyển dịch, phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số, phổ cập nền tảng số quốc gia; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các lĩnh vực mới nổi, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới...
Giải pháp cho doanh nghiệp Nhà nước phát triển trong môi trường cạnh tranh
Để các doanh nghiệp Nhà nước phát huy hết tiềm năng, nguồn lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cùng phát triển, nhanh chóng hoàn thiện các dự án luật như Luật Đất đai, Luật Quản lý để doanh nghiệp Nhà nước chủ động phát triển trong môi trường cạnh tranh.
Riêng Bộ KH&ĐT sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực mới nổi theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số như năng lượng mới, năng lượng tái tạo: điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh, ô tô điện, chíp bán dẫn…
Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp tại địa phương theo thẩm quyền nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp; Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm đã được phê duyệt; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và kịp thời giải ngân vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.
Các tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế, bảo đảm doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng tiên phong đi đầu trong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế.
Bên cạnh đó cần chú trọng giải quyết việc làm và bảo đảm đời sống cho người lao động, thực hiện chính sách an sinh xã hội.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong các doanh nghiệp Nhà nước thực sự chủ động, bám sát tình hình, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024 đã đề ra, phấn đấu vượt mức kế hoạch được giao, đảm bảo tiến độ và kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư đã được phê duyệt," Bộ trưởng nhấn mạnh.