Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS |
Theo lịch trình chính thức, hội nghị thượng đỉnh sẽ bắt đầu từ buổi tối ngày 22/10 với một bữa tối thân mật dành cho tất cả các nhà lãnh đạo tới tham dự. Tuy nhiên từ trước đó, Tổng thống Putin sẽ tiến hành hàng loạt các cuộc gặp mặt song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh.
Hãng tin RT dẫn lời Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov ngày 21/10 cho biết, nhà lãnh đạo Nga trong ngày 22/10 sẽ tiến hành các cuộc gặp gỡ riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc gặp nhau là tại thủ đô Astana của Kazakhstan hồi đầu tháng 7, trước thềm hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Vài ngày sau đó, Tổng thống Putin đã gặp Thủ tướng Ấn Độ tại Moscow trong khuôn khổ chuyến thăm Nga kéo dài 2 ngày của ông Modi. Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Ấn Độ tuyên bố rằng các cuộc đàm phán đã "đi một chặng đường dài trong việc củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa Ấn Độ và Nga".
Ngoài ông Tập và ông Modi, ông Putin cũng sẽ có các cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và ông Dilma Rousseff - cựu tổng thống Brazil và hiện là người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Mới BRICS trong cùng ngày 22/10.
Trong ngày 23/10, ông Ushakov cho biết các cuộc họp song phương của Tổng thống Nga với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali sẽ được tiến hành.
Tới ngày 24/10, ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh, ông Putin sẽ gặp Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Tổng thống Mauritania Mohamed Ould Ghazvani và Tổng thống Bolivia Luis Arce. Nhà lãnh đạo Nga cũng sẽ hội kiến Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.
Nhận định về các cuộc gặp, ông Ushakov cho biết Tổng thống Putin đặt mục tiêu gặp gỡ "tất cả các nhà lãnh đạo của các quốc gia" tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Về chương trình nghị sự cụ thể của hội nghị, các quốc gia thành viên sẽ thảo luận về việc mở rộng trong tương lai của nhóm và được cho là cả việc thành lập một hệ thống tài chính quốc tế mới. Ông Ushakov cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ mở đầu bằng một cuộc thảo luận về "những tình huống xung đột cấp bách nhất trên toàn thế giới". Các quốc gia tham gia cũng sẽ thảo luận về các vấn đề an ninh lương thực và năng lượng trong một phiên họp riêng, với trọng tâm là ở khu vực Trung Đông.
BRICS được thành lập vào năm 2009, gồm 4 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và kết nạp Nam Phi vào năm 2010. Vào năm 2024, khối này tiếp tục kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE. Kể từ đó, 15 quốc gia khác đã thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập, bao gồm Bahrain, Belarus, Cuba, Kazakhstan, Pakistan, Sénégal và Venezuela. Đầu tháng 6, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov cho biết khoảng 30 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS.
Với dân số khoảng 3,5 tỷ người, khối BRICS mở rộng chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và hơn 40% sản lượng dầu của thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), BRICS hiện chiếm tới 36% GDP toàn cầu xét theo sức mua tương đương (PPP) so mức 30% của khối G7. Trong vòng 4 năm tới, người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), Dilma Rousseff, cho biết BRICS đặt mục tiêu vượt qua G7 về GDP danh nghĩa toàn cầu.
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2024 diễn ra tại Kazan, Nga từ ngày 22-24/10 với tổng cộng 36 quốc gia cùng 6 tổ chức quốc tế hiện diện. Hội nghị năm nay cũng đánh dấu sự tham dự lần đầu tiên của một Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp dự hội nghị BRICS mở rộng tại Nga Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng từ ngày 23-24/10. |
Tổng thống Brazil không dự Thượng đỉnh BRICS do chấn thương Trong một tuyên bố ngắn công bố ngày 20/10, Văn phòng Tổng thống Brazil cho biết ông Luiz Inacio Lula da Silva sẽ không thể đến Kazan, Nga để tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị Thượng đỉnh BRICS do vấn đề sức khỏe. |