Tổng thống Putin cảnh báo 'hậu quả nghiêm trọng' nếu áp giá trần dầu Nga

dầu mỏ NGA
08:53 - 25/11/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc Mỹ và các đồng minh nỗ lực áp giá trần đối với dầu Nga có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu. 

TASS dẫn thông báo ngày 24/11 của Điện Kremlin cho biết, trong cuộc điện đàm với tân Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về những nỗ lực áp giá trần dầu Nga của phương Tây.

"Vấn đề được đề cập trong cuộc hội đàm có liên quan đến bối cảnh một số quốc gia phương Tây muốn thông qua các hạn chế về giá đối với dầu thô từ Nga. Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng những hành động như vậy đi ngược lại các quy tắc của quan hệ kinh tế thị trường và có khả năng cao gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu", Điện Kremlin cho biết.

Ông Putin cảnh báo "hậu quả nghiêm trọng" nếu phương Tây thông qua các hạn chế về giá đối với dầu thô từ Nga. Ảnh: Reuters

Ông Putin cảnh báo "hậu quả nghiêm trọng" nếu phương Tây thông qua các hạn chế về giá đối với dầu thô từ Nga. Ảnh: Reuters

Cũng trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đều đưa ra đánh giá tích cực về các hoạt động trong khuôn khổ thỏa thuận OPEC+, nhằm "ổn định thị trường dầu mỏ thế giới".

Trước đó, ngày 23/11, đại diện của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã họp nhóm tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về đề xuất của G7 nhằm áp mức giá trần đối với dầu Nga, trong khoảng từ 65-70 USD/thùng.

Tuy nhiên, con số này gây ra tranh cãi khi dường như quá thấp đối với một số nước, nhưng lại quá cao đối với một số nước khác, khiến các bên không thể nhất trí việc áp giá trần.

Ba Lan, Lithuania và Estonia tin rằng mức 65-70 USD/thùng sẽ mang lại lợi nhuận quá cao cho Nga, vì chi phí sản xuất chỉ khoảng 20 USD/thùng. Trong khi đó, Cộng hòa Cyprus, Hy Lạp và Malta cho rằng mức giá trần đó quá thấp, đồng thời yêu cầu phải bồi thường cho khoản thiệt hại trong kinh doanh hoặc cần thêm thời gian để điều chỉnh. Ngành vận tải biển chủ chốt của các nước này có thể thua lỗ nhiều nhất nếu các chuyến dầu Nga bị cản trở.

Theo một nhà ngoại giao EU, cuộc họp tiếp theo của đại sứ các nước sẽ diễn ra vào ngày 25/11.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters

G7, Liên minh châu Âu và Australia dự kiến ​​sẽ áp giá trần đối với dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển từ ngày 5/12. Động thái này là một phần của các biện pháp trừng phạt, nhằm cắt giảm doanh thu của Moscow từ xuất khẩu dầu mỏ để phục vụ cuộc chiến.

Các nhà ngoại giao EU cho rằng, hầu hết quốc gia trong khối đều ủng hộ việc áp giá trần, nhưng chỉ lo lắng về khả năng thực thi kế hoạch này cũng như vấn đề thay đổi thêm chính sách hiện có.

Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 24/11 cho biết các thành viên EU đang thúc đẩy gói trừng phạt thứ chín đối với Nga do chiến dịch quân sự ở Ukraine, đồng thời "sẽ sớm" cùng G7 và các đối tác lớn khác thông qua mức giá trần toàn cầu đối với dầu mỏ Nga.

Tuy nhiên, quan chức này không cung cấp chi tiết về những biện pháp sẽ có trong gói trừng phạt mới của EU.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.