'TP HCM đang mặc chiếc áo quá chật, cần nới ra để phát triển'

KINH TẾ Tp hcm
22:08 - 30/05/2023
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, TP HCM đang mặc chiếc áo quá chật, cần nới ra để phát triển. Thậm chí, cần suy nghĩ có thể có các chính sách mới hơn, mạnh hơn, đột phá hơn nữa cho thành phố.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Đề xuất lộ trình rõ ràng cho khối cơ chế, chính sách đặc thù khổng lồ

Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Hận - đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: "TP HCM là đầu tàu kinh tế của đất nước, đầu tàu có mạnh, có tốt thì mới kéo các toa tàu đi nhanh, đi xa hơn". Đại biểu dẫn ví dụ Thượng Hải của Trung Quốc, nhờ có nhiều cơ chế đặc thù đã có sự phát triển vượt bậc, từ đó dẫn dắt và tạo sự lan tỏa cho cả khu vực. Do đó, các chính sách đặc thù cho TP HCM là cần thiết.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - đoàn ĐBQH Thừa Thiên - Huế cũng đồng ý cần có các chính sách đặc thù giúp TP HCM có sự phát triển và đột phá.

Tuy nhiên, đại biểu đặt câu hỏi, vào năm 2017, Quốc hội cũng đã thông qua nhiều chính sách đặc thù cho TP HCM, nhưng sau 5 năm thực hiện, tổng kết lại chỉ 70% cơ chế, chính sách triển khai được.

Với 44 chính sách đặc thù cho TP HCM trình lần này và chỉ triển khai trong vòng 5 năm tới thì việc triển khai thực hiện thế nào là chưa rõ. Đề nghị Chính phủ, TP HCM có lộ trình cụ thể. Với quy mô chính sách đồ sộ, nguồn lực huy động tối đa như thế thì phải có lộ trình rõ ràng, nếu không sẽ rất lãng phí nếu cơ chế đặc thù không phát huy hết tác dụng

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - đoàn ĐBQH Thừa Thiên - Huế

Cũng đặt nhiều kỳ vọng vào danh mục cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM, song đại biểu Nguyễn Thanh Phương - đoàn ĐBQH TP Cần Thơ băn khoăn, danh mục này có quá nhiều.

"Báo cáo của Chính phủ khi đánh giá thực hiện Nghị quyết 54 của TP HCM cho thấy, có không ít nội dung chưa thực hiện được. Liệu thời gian thực hiện cơ chế thí điểm là 5 năm với quá nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, từ tài chính, ngân sách, giao thông... thì có thể thực hiện được hết không?", đại biểu nêu vấn đề.

Đại biểu dẫn chứng, thực tế, việc triển khai Nghị quyết 54 của TP HCM hay cả cơ chế, chính sách đặc thù của Cần Thơ, vừa được Quốc hội cho phép từ kỳ họp trước, nhưng hơn 1 năm qua, nhiều nội dung vẫn đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện,

TP HCM đang mặc chiếc áo quá chật, cần nới ra để phát triển

Chia sẻ băn khoăn với các đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM phải đảm bảo yêu cầu tạo điều kiện cho TP HCM có thể phát triển vượt trội, cạnh tranh được với quốc tế, đủ đột phá, đủ mạnh. Song, vì là cơ chế đặc thù, thí điểm nên có thời hạn, 5 năm là thời điểm hợp lý.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, thời gian tới, TP HCM phải là đầu tàu kinh tế và theo nghị quyết Đại hội Đảng XIII, TP HCM còn là trung tâm tài chính quốc tế.

TP HCM đang mặc chiếc áo quá chật, cần nới ra để phát triển. Phải tạo điều kiện cho TP HCM có cơ chế theo hướng vượt trội, cạnh tranh được với quốc tế, đủ mạnh và đột phá.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Mặt khác, theo Bộ trưởng, hiện tại nhiều cơ chế, chính sách tạo nguồn thu cho TP HCM còn khá thận trọng, mới là tăng phí, lệ phí, tăng dư nợ. Với 44 chính sách đề cập trong dự thảo nghị quyết, mới chỉ tập trung vào các trụ cột chính là tạo nguồn lực cho TP HCM; phân cấp, phân quyền tạo chủ động cho thành phố và quy định một số thủ tục rút gọn trong thực hiện các chính sách.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng đồng tình với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cho rằng những chính sách được trình nhiều quá nhưng chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đủ mạnh và đột phá. Các cơ chế, chính sách cần tạo nguồn lực lớn hơn cho TP HCM. Nhất là nhu cầu về giao thông, hạ tầng y tế, xã hội và đường sắt đô thị chưa thể giải quyết.

"Chúng tôi cũng đang tiếp tục suy nghĩ có thể các chính sách đó chưa đủ, chưa hết, có cần đặt ra có chính sách gì mới hơn, mạnh hơn không. Có ý kiến rất đáng suy nghĩ là, nếu cần nguồn lực để phát triển, tại sao không tập trung ngay cho TP HCM vay ODA khoảng 20 tỷ USD làm các công trình lớn trọng điểm, có quản lý, có giám sát. Bởi việc đó sẽ mang lại thay đổi, hiệu quả, tác động ngay và TP cũng hoàn toàn có khả năng trả nợ", Bộ trưởng cho hay.

Từ góc độ cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, TP HCM cần được trao các chính sách để phát triển xứng tầm với giá trị mới, sứ mệnh mới. Không để sau 5 năm đánh giá lại không giải quyết được gì.

"Sau thời gian thử nghiệm phải có tổng kết đánh giá, có kiểm tra giám sát. Cơ chế nào đúng thì luật hóa, nhân rộng áp dụng chung cho cả các địa phương khác chứ không chỉ riêng TP HCM", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Đọc tiếp