Trang trại nuôi lợn 26 tầng nhằm hiện đại hóa ngành chăn nuôi của Trung Quốc

NÔNG NGHIỆP TRUNG QUỐC
21:03 - 09/02/2023
Trang trại nuôi lợn 26 tầng tại Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: NY Times
Trang trại nuôi lợn 26 tầng tại Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: NY Times
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh đất nông nghiệp khan hiếm, sản xuất nông nghiệp tụt hậu và việc gia tăng nguồn cung thịt lợn trở thành một nhiệm vụ chiến lược, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng các trang trại nuôi lợn cao 26 tầng với các công nghệ hiện đại.

Nằm ở vùng nông thôn Trung Quốc tại ngoại ô Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, tòa nhà khổng lồ cao 26 tầng có ngoại hình giống hệt như bất kỳ tòa nhà cao tầng nào khác tại quốc gia này. Với chiều cao ngang bằng với tháp London, tòa nhà này là một trang trại nuôi lợn hiện đại với các kỹ thuật viên mặc đồng phục giám sát các hoạt động chăn nuôi bằng camera có độ phân giải cao.

Theo NYT, mỗi một tầng của trang trại này có khả năng hoạt động như một trang trại khép kín cho đủ các giai đoạn trong vòng đời của lợn. Cụ thể, mỗi tầng đều bao gồm khu vực dành cho lợn mang thai, phòng dành cho lợn mẹ sắp đẻ, khu vực cho lợn con ăn và không gian để vỗ béo lợn con.

Thức ăn được vận chuyển trên một băng chuyền lên tầng trên cùng, nơi thức ăn được thu gom trong các bể khổng lồ. Từ bể này, thức ăn sẽ được đưa xuống các tầng bên dưới thông qua các máng ăn công nghệ cao tự động phân phối thức ăn dựa trên giai đoạn của cuộc sống, cân nặng và sức khỏe của lợn.

Trang trại nuôi lợn 26 tầng này đang được ca ngợi là trang trại nuôi lợn độc lập lớn nhất thế giới và bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2022. Ngoài trang trại này, một trang trại thứ 2 tương tự sẽ sớm được khai trương. Một khi cả 2 trang trại nhiều tầng hoạt động với công suất tối đa vào cuối năm 2023, 1,2 triệu con lợn dự kiến sẽ được nuôi tại đây mỗi năm.

Được xây dựng bởi Công ty Chăn nuôi Hiện đại Hubei Zhongxin Kaiwei, công ty đã đầu tư 600 triệu USD để xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn cao tầng và 900 triệu USD khác dành cho một nhà máy chế biến thịt gần đó.

Theo ông Zhuge Wenda, chủ tịch công ty, trang trại lợn này hoạt động như một nhà máy Foxconn với độ chính xác cao và mục tiêu môi trường bền vững. Ngay cả phân lợn cũng được đo, thu thập và tái sử dụng. Khoảng 25% thức ăn sẽ thoát ra dưới dạng phân khô có thể được tái sử dụng thành khí methane để tạo ra điện.

Các máng thức ăn riêng cho lợn cái bên trong trang trại lợn của Hubei Zhongxin Kaiwei ở ngoại ô Ngạc Châu, Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: NY Times

Các máng thức ăn riêng cho lợn cái bên trong trang trại lợn của Hubei Zhongxin Kaiwei ở ngoại ô Ngạc Châu, Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: NY Times

Tham vọng hiện đại hóa việc chăn nuôi lợn tại Trung Quốc

Trung Quốc là nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất, trong đó bao gồm hơn một nửa lượng đậu nành trên thế giới, chủ yếu để làm thức ăn chăn nuôi. Tuy sở hữu khoảng 10% diện tích đất canh tác của hành tinh cho khoảng 20% dân số toàn cầu, chi phí sản xuất cây trồng tại đây cao hơn trong khi đất canh tác lại mang lại năng suất ngô, lúa mỳ và đậu nành thấp hơn so với các nền kinh tế lớn khác.

Những năm gần đây, những thiếu sót này càng trở nên rõ ràng trong bối cảnh Trung Quốc vướng vào cạnh tranh thương mại với Mỹ, đại dịch gây ra gián đoạn nguồn cung và căng thẳng địa chính trị tại châu Âu. Để tăng cường an ninh lương thực quốc gia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một bài phát biểu về chính sách tháng 12/2022 đã nhấn mạnh vào ưu tiên tự lực cánh sinh trong ngành nông nghiệp để thức ăn cho người Trung Quốc do chính người Trung Quốc làm ra.

Ông Tập khẳng định: “Một quốc gia phải củng cố nền nông nghiệp của mình trước khi trở thành một cường quốc và chỉ có một nền nông nghiệp mạnh mẽ mới có thể làm cho đất nước trở nên mạnh mẽ”. Trước đây, ông cũng từng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ “rơi vào tầm kiểm soát của người khác nếu chúng ta không giữ vững bát cơm của mình”.

Trong khi đó, thịt lợn là một phần không thể thiếu trong đời sống ẩm thực Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, các gia đình tại nông thôn Trung Quốc vẫn luôn nuôi thả lợn trong vườn nhà mình và coi lợn là một tài sản quý giá. Thịt lợn cũng có ý nghĩa văn hóa như một biểu tượng của sự thịnh vượng vì trong lịch sử, thịt lợn thường chỉ được phục vụ vào những dịp đặc biệt.

Ngày nay, Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ nhiều thịt lợn nhất trên thế giới khi tiêu thụ tới một nửa nguồn cung thịt lợn toàn cầu mỗi năm. Cũng do tầm quan trọng của thịt lợn, giá của mặt hàng này luôn được theo dõi chặt chẽ như một thước đo lạm phát. Ngoài ra, nó cũng được quản lý cẩn thận thông qua kho dự trữ thịt lợn chiến lược của đất nước - kho dự trữ thịt của chính phủ với mục đích ổn định giá khi nguồn cung cạn kiệt.

Tuy nhiên, giá thịt lợn tại quốc gia này vẫn tương đối cao trong khi việc chăn nuôi lợn lại lạc hậu nhiều so với các quốc gia phát triển khác nơi chăn nuôi lợn đã trở thành một ngành công nghiệp.

Mặt khác, khi Trung Quốc hiện đại hóa và hàng trăm triệu người di chuyển từ nông thôn đến các trung tâm đô thị, các trang trại nhỏ ở sau vườn đã biến mất. Tổng số trang trại lợn ở Trung Quốc sản xuất dưới 500 con lợn một năm đã giảm 75% kể từ năm 2007 tới năm 2020.

Tới năm 2018, công cuộc xây dựng các trang trại lớn càng gấp rút hơn khi dịch bệnh tại châu Phi khiến ngành công nghiệp thịt lợn Trung Quốc lao đao và khiến 40% đàn lợn của nước này bị phá hủy.

Vì vậy để củng cố ngành sản xuất thịt lợn quốc gia, hàng chục trang trại lợn khổng lồ đang mọc lên ở khắp các vùng miền tại Trung Quốc.

Để hỗ trợ ngành, Trung Quốc năm 2019 đã ban hành nghị định yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ hỗ trợ ngành thịt lợn, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi quy mô lớn về mặt tài chính. Trong cùng năm đó, chính phủ Trung Quốc cũng thông báo phê duyệt hình thức chăn nuôi lợn theo nhiều tầng để có thể nâng cao năng suất trên một diện tích nhỏ hơn.

Theo NYT trích dẫn ông Yu Ping, giám đốc điều hành của Viện thiết kế Yu, một công ty thiết kế trang trại lợn, “đây là một cột mốc quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc do các trang trại nhiều tầng sẽ có tác động đến cả thế giới”.

Tuy nhiên, việc xây dựng các trang trại lợn tập trung cũng có những mặt trái. Theo ông Brett Stuart, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Global AgriTrends, các trang trại nhiều tầng khiến nguy cơ dịch bệnh bùng nổ dễ dàng hơn. Việc nuôi quá nhiều lợn trong cùng một cơ sở duy nhất khiến việc ngăn ngừa ô nhiễm trở nên khó khăn hơn nhiều và đó cũng là lý do khiến các nhà sản xuất thịt lợn lớn của Mỹ lựa chọn dàn trải trang trại của mình hơn để giảm rủi ro về an toàn sinh học.

Ngoài ra, sự bùng nổ các trang trại nuôi lợn khổng lồ cũng khiến nhiều người chăn nuôi quy mô nhỏ gặp khó khăn. Theo bà Qiao Yuping, một nông dân 66 tuổi nuôi khoảng 20 đến 30 con lợn mỗi năm ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, bà không kiếm được tiền khi giá thịt lợn giảm trong khi giá thức ăn và vaccine cho vật nuôi lại tăng do các trang trại lớn.

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.