Tranh chấp thương hiệu mật ong manuka giữa New Zealand và Australia

Thương Mại New Zealand
16:17 - 22/05/2023
Cây manuka là một loại cây thuộc chi tràm trà mọc ở cả New Zealand và Australia. Ảnh: Alamy
Cây manuka là một loại cây thuộc chi tràm trà mọc ở cả New Zealand và Australia. Ảnh: Alamy
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 22/5, các nhà sản xuất mật ong của New Zealand đã nhận thua trong tranh chấp mới nhất liên quan tới thương hiệu mật ong manuka và nỗ lực ngăn cản các nhà sản xuất mật ong Australia sử dụng tên gọi này.

Manuka là cái tên dùng để gọi một loại cây có hoa màu trắng mọc ở cả New Zealand và Australia. Tuy nhiên tại Australia, loại cây này được gọi bằng một cái tên khác phổ biến hơn là tràm trà. Mật ong manuka do đó dùng để chỉ loại mật ong được lấy từ những bông hoa nhỏ màu nhạt của loại cây này. Nổi tiếng với đặc tính kháng khuẩn và các lợi ích cho sức khỏe khác, mật ong manuka được săn đón ở nhiều nơi và thường có giá thành rất cao trên thị trường quốc tế.

Ở nồng độ cao nhất, một số lô hàng mật ong manuka ở New Zealand có thể đạt được mức giá từ 1250 tới 3130 USD cho một lọ 250g tại các cửa hàng sang trọng. Tuy nhiên cũng do lợi ích quá lớn từ việc sản xuất mật ong Manuka, New Zealand trong nhiều năm qua đã chứng kiến sự bùng phát của nhiều hình thức phạm tội. Theo Guardian, sự cạnh tranh khốc liệt trong việc tranh giành quyền tiếp cận các khu rừng manuka , dẫn đến nhiều vụ đầu độc ong hàng loạt, trộm cắp, phá hoại và đánh đập.

Không những cạnh tranh trong nước, nhãn hiệu mật ong manuka cũng chịu sự cạnh tranh quốc tế với Australia. Trong hơn một thập kỷ qua, 2 quốc gia này vẫn luôn gặp bất đồng trong việc sử dụng cái tên manuka – một từ của người Maori. Các nhà nuôi ong New Zealand coi sản phẩm này là một kho báu bản địa có gắn liền với việc sản xuất mật ong lâu đời và mong muốn được sử dụng thương hiệu mật ong manuka một cách độc quyền.

Trong khi đó, các nhà sản xuất mật ong Australia, dẫn đầu bởi Hiệp hội Mật ong Manuka Australia (AMHA) đã phản đối kịch liệt điều này. Những người này tuyên bố mật ong lấy từ cây manuka cũng có thể được sản xuất tại Australia với chất lượng tương đương trong khi bản thân từ “manuka” đã được sử dụng cho các sản phẩm mật ong ở quốc gia này từ ít nhất là những năm 1930.

Kể từ năm 2015, các nhà sản xuất New Zealand, đại diện bởi Hiệp hội Tên gọi Mật ong Manuka (MHAS) đã nộp đơn đăng ký thương hiệu cho cái tên này từ năm 2015. Tuy nhiên, các nỗ lực này gặp thất bại ở Australia, châu Âu, Trung Quốc, Mỹ và Vương Quốc Anh.

Tới 22/5, Văn phòng Sở hữu Trí tuệ New Zealand tiếp tục ra phán quyết rằng nỗ lực đăng ký nhãn hiệu mật ong manuka của những người nuôi ong tại quốc gia này không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết. Điều này tạo ra một thất bại nữa đối với MHAS trong trận chiến pháp lý kéo dài nhiều năm và phức tạp.

Nhận định về phán quyết trên, Guardian trích dẫn ông Pita Tipene, Chủ tịch Quỹ từ thiện Manuka, cho biết điều này “rất đáng thất vọng theo nhiều cách khác nhau”. Tuy nhiên, ông khẳng định thất bại này không khiến ông và những người ủng hộ lùi bước.

Cụ thể, ông khẳng định phán quyết này còn khiến những nhà sản xuất mật ong New Zealand “càng quyết tâm hơn để bảo vệ những gì là của chúng tôi thay mặt cho tất cả người dân New Zealand và người tiêu dùng coi trọng tính nguyên bản”. Ông nhấn mạnh vào vai trò kaitiaki (người giám hộ] trong việc bảo vệ mana (phẩm giá) và giá trị của các loài thực vật quý giá như manuka thay mặt cho tất cả người dân New Zealand”.

Ngược lại, phán quyết của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ New Zealand lại nhận được sự hoan nghênh của nhiều công ty Australia làm trong ngành. Các công ty gọi quyết định này là một “kết quả hợp lý” và đưa ra thông cáo báo chí cho biết họ có kế hoạch tăng doanh số bán hàng quốc tế để đáp ứng nhu cầu mật ong manuka ngày càng tăng.

Guardian trích dẫn Chủ tịch Hiệp hội Mật ong Manuka Australia Ben McKee cho biết ông rất “vui mừng” trước phán quyết này. Theo ông, “sản phẩm của Australia có lịch sử lâu đời được công nhận là mật ong manuka. Nó cũng được sản xuất giống như sản phẩm của New Zealand, đồng thời cung cấp các đặc tính kháng khuẩn được người tiêu dùng trên khắp thế giới đánh giá cao”.

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.