Viettel Construction có nguồn thu lớn từ đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông. Ảnh: CTR |
Kết phiên 12/3, mã CTR vươn lên mức giá 117.900 đồng/cp, tăng gần 5% so với phiên trước đó, chính thức phá đỉnh cũ (ở vùng hơn 90.000 đồng/cp) vào giữa tháng 1 vừa qua và từ đó đến nay đã tăng hơn 30%.
Còn so với cách đây một năm, mã cho hiệu suất đầu tư lên tới 120%. Vốn hóa thị trường cũng theo đó lập kỷ lục gần 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với thời điểm một năm trước.
Về tình hình kinh doanh, năm 2023, công ty đạt doanh thu thuần 11.299 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 517 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,4% và 13,5% so với năm 2022. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi hoạt động.
Kết quả trên giúp Viettel Construction nối dài chuỗi tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận qua từng năm. Tính chung trong giai đoạn 2019-2023, doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng kép 22% về doanh thu và 33,5% về lợi nhuận.
Viettel Construction hiện vận hành 6 lĩnh vực kinh doanh chủ yếu gắn liền với lĩnh vực viễn thông gồm: Đầu tư hạ tầng, xây dựng (bao gồm xây dựng hạ tầng viễn thông, xây dựng dân dụng B2C và B2B), công nghệ thông tin, giải pháp tích hợp, dịch vụ kỹ thuật và vận hành khai thác.
Tiềm năng tăng trưởng của CTR tiếp tục rộng mở khi ngay đầu tháng 1/2024, công ty trúng 6 gói thầu vận hành khai thác nhà trạm, cố định băng rộng, kênh truyền tại 62 tỉnh, thành phố cho Tập đoàn Viettel giai đoạn 2024 - 2026 với tổng trị giá lên đến 15.850 tỷ đồng. Viettel Construction đã tham gia đấu thầu gói thầu này từ tháng 10/2023.
Hưởng lợi từ việc tắt dần sóng 2G và triển khai 5G
Trong báo cáo phân tích doanh nghiệp mới cập nhật, SSI tiếp tục đánh giá khả quan với CTR dù cổ phiếu này dù đang neo ở vùng đỉnh lịch sử.
Theo SSI, Tập đoàn Viettel đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần 2.500-2.600 MHz để phục vụ thương mại hóa công nghệ di động 5G vào ngày 8/3/2024. Từ đây, tổng số trạm BTS (trạm thu phát sóng cơ sở) của CTR năm 2024 có thể đạt mức tăng trưởng 70% so với cùng kỳ. Được hưởng lợi từ việc tắt dần sóng 2G và triển khai 5G, doanh thu mảng hạ tầng cho thuê của CTR có thể tăng 53%. Về dài hạn, SSI kỳ vọng mức đóng góp lợi nhuận từ mảng này cao hơn.
Cùng với đó, giá trị hợp đồng xây dựng dân dụng của CTR được ký trong quý 4/2023 cao hơn dự kiến (chiếm hơn 40% giá trị hợp đồng trong năm 2023). SSI điều chỉnh lại ước tính tăng trưởng doanh thu cho mảng xây dựng năm 2024 của CTR (từ 6% lên 17% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ được dự báo sẽ tăng 16,4%.
Viettel có thị phần di động cao nhất trong nước. |
Ngoài ra, theo Quy hoạch phát triển điện VIII đã được phê duyệt, Chính phủ có kế hoạch phát triển khoảng 2.600 MW công suất điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu trong năm 2030 (dành cho người tiêu dùng hộ gia đình và doanh nghiệp). Bộ Công Thương hiện đang xây dựng cơ chế hỗ trợ nguồn điện này. Nếu cơ chế này được thông qua, SSI cho rằng mảng giải pháp tích hợp (giải pháp năng lượng mặt trời) của CTR sẽ được hưởng lợi (chiếm 9%-12% lợi nhuận gộp).
Về rủi ro đầu tư, SSI nhận định việc trì hoãn thương mại hóa 5G và/hoặc tắt sóng 2G có thể ảnh hưởng kém tích cực đến xây dựng trạm BTS, triển vọng tăng trưởng của các mảng vận hành khai thác và xây dựng hạ tầng viễn thông của CTR. Đơn vị phân tích cũng lưu ý mảng cho thuê hạ tầng của CTR (bao gồm cả BTS) có biên lợi nhuận cao nhất. Bất kỳ khoản chậm thanh toán nào từ khách hàng cũng có thể gây ra rủi ro.