Triều Tiên khẳng định quyền được phóng vệ tinh

Vệ tinh Triều Tiên
08:16 - 01/06/2023
Bà Kim Yo Jong - Phó chủ nhiệm Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Bà Kim Yo Jong - Phó chủ nhiệm Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 1/6, bà Kim Yo Jong – em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un – tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục các nỗ lực phóng vệ tinh của mình, đồng thời cam kết sẽ tăng cường khả năng giám sát quân sự.

Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin ngày 1/6, bà Kim Yo Jong - Phó chủ nhiệm Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên - đã đưa ra thông cáo báo chí với tiêu đề “không ai có thể phủ nhận quyền của CHDCNC Triều Tiên trong việc phóng vệ tinh”. Cụ thể, bà tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng thực hiện bất kỳ hành động nào để có thể bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích của mình".

Cũng trong tuyên bố do KCNA đăng tải, bà Kim Yo Jong khẳng định trong thời gian tới, vệ tinh do thám quân sự của Triều Tiên chắc chắn sẽ được đưa lên quỹ đạo một cách chính xác và bắt đầu sứ mệnh của mình. Ngoài ra, bà cho biết Bình Nhưỡng sẽ “nỗ lực hết sức để tăng cường khả năng răn đe chiến tranh theo hướng bao trùm, ý thức được các mối đe dọa và thách thức lâu dài”.

Nhận xét của bà Kim được công bố sau thất bại của vụ phóng vệ tinh Chollima-1 ngày 31/5 do động cơ và hệ thống nhiên liệu không ổn định. Tên lửa mang theo vệ tinh bị mất lực đẩy sau khi tách rời giai đoạn đầu tiên và giai đoạn thứ 2 và rơi xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía tây của Bán đảo Triều Tiên.

Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NADA) của Bình Nhưỡng sẽ điều tra "những khiếm khuyết nghiêm trọng" và hành động để khắc phục chúng trước khi tiến hành vụ phóng thứ hai càng sớm càng tốt. Trước đó, Triều Tiên đã thông báo sẽ phóng vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 11/6.

Vụ phóng này đã khiến chính quyền tại một số vùng của Hàn Quốc và Nhật Bản phát cảnh báo khẩn cấp và cảnh báo sơ tán tới người dân. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc sáng ngày 31/5 đã phát còi báo động không kích trong khi chính quyền thúc giục người dân chuẩn bị nơi trú ẩn. Vùng Okinawa của Nhật Bản cũng phát cảnh báo tới người dân về việc tìm nơi trú ẩn. Tuy nhiên sau khi vụ phóng thất bại, các khu vực này đã dỡ bỏ cảnh báo.

Ngoài ra, nó cũng nhận lại nhiều chỉ trích từ phía Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Trước vụ phóng này, một phát ngôn viên cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cùng Bộ Ngoại giao Mỹ từng tuyên bố bất kỳ vụ phóng nào của Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo đều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Ngày 31/5, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết các quan chức từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc điện đàm và "lên án mạnh mẽ" vụ phóng. Trong một tuyên bố chung, các quốc gia này cho biết “sẽ cảnh giác với tinh thần cao độ”.

Tuy nhiên trong tuyên bố của mình, bà Kim Yo Jong phản bác lại các nhận xét này khi miêu tả chúng là “tự mẫu thuẫn” do Mỹ và các quốc gia khác đều đã phóng "hàng nghìn vệ tinh".

Ở một diễn biến khác, trong một tuyên bố riêng cùng ngày được KCNA trích dẫn, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Son Gyong chỉ trích các cuộc tập trận quân sự do Mỹ dẫn đầu trong khu vực. Trong thông cáo, ông khẳng định các cuộc diễn tập đánh chặn nguy hiểm trên biển làm leo thang căng thẳng khu vực và được coi như một hành động “có tính chất đa mục tiêu nhằm gây áp lực lên các nước láng giềng của CHDCND Triều Tiên”.

Tin liên quan

Đọc tiếp