![]() |
Ga container tại cảng Ningbo Zhoushan ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin AFP dẫn lời ông Li Chenggang, Đại sứ Trung Quốc tại WTO, phát biểu tại cuộc họp đầu tiên trong năm của Hội đồng chung WTO, thế giới hiện đang phải đối mặt với “hàng loạt cú shock thuế quan”. Ông cho biết Mỹ là bên đã áp đặt hoặc đe dọa áp đặt thuế quan lên các đối tác thương mại của mình, trong đó bao gồm cả Trung Quốc, “một cách đơn phương, tùy tiện và vi phạm trắng trợn các quy tắc của WTO”.
Ông đưa ra cảnh báo các chính sách này có khả năng “gia tăng sự bất ổn về kinh tế, phá vỡ thương mại toàn cầu và có nguy cơ gây ra lạm phát trong nước, bóp méo thị trường hoặc thậm chí là suy thoái toàn cầu". Đại sứ Trung Quốc tại WTO đồng thời chỉ trích chủ nghĩa đơn phương của Mỹ sẽ gây ra nguy cơ lật độ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ.
Cụ thể, ông nhấn mạnh: "Chúng ta không thể quên nguyên nhân gốc rễ của tình trạng hỗn loạn thương mại hiện nay và các mối đe dọa đối với tất cả các thành viên WTO chính là thuế quan tùy tiện và các biện pháp đơn phương của Mỹ".
Trong bối cảnh đó, ông khẳng định rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối các biện pháp trên, đồng thời thúc giục Washington rút lại các chính sách thuế quan cũng như "tham gia vào các cuộc đối thoại đa phương dựa trên công bằng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau".
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cũng đưa ra lời thúc giục 166 thành viên của tổ chức này cần giữ "cái đầu lạnh" và tiếp tục đối thoại với nhau. Bà cho biết: "Thế giới đã thay đổi và chúng ta không thể đến đây để tiếp tục làm những việc mà chúng ta vẫn làm”.
Các tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt chính sách thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt kể từ khi ông trở lại Nhà Trắng ngày 20/1 đang gây ra nguy cơ căng thẳng thương mại trên toàn cầu.
Trước đó ngày 1/2, Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada nhằm trả đũa cho tình trạng di cư ồ ạt và buôn lậu fentanyl từ hai nước láng giềng tràn vào Mỹ. Fentanyl là một loại chất thuộc loại thuốc giảm đau nhưng cũng là loại chất ma túy nguy hiểm.
Tuy nhiên, ngay trước khi mức thuế quan được áp dụng, ông Trump hôm 3/2 đã đồng ý hoãn việc áp thuế cao đối với các mặt hàng của Mexico và Canada trong vòng 30 ngày, đổi lại hai nước này nỗ lực thực thi an ninh biên giới để đáp lại yêu cầu về việc trấn áp nhập cư bất hợp pháp và buôn lậu fentanyl.
Trong cùng ngày 1/2, Tổng thống Trump tiếp tục công bố áp thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách áp thuế 15% đối với than và LNG, cùng mức thuế 10% với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số phương tiện nhập khẩu từ Mỹ.
Tới ngày 10/2, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố tăng mức thuế nhập khẩu thép và nhôm lên 25% “mà không có ngoại lệ hoặc miễn trừ” – một động thái được ông khẳng định là nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp nội địa đang gặp khó khăn.
“Mức thuế là 25% mà không có ngoại lệ hoặc miễn trừ. Đây là mức được áp dụng với tất cả các quốc gia, bất kể sản phẩm đến từ đâu, tất cả các quốc gia,” ông Trump nói.
Các biện pháp sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/3 và sẽ được áp dụng đối với hàng triệu tấn thép cùng nhôm nhập khẩu từ Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và các quốc gia khác đã được miễn thuế vào Mỹ theo các điều khoản miễn trừ. Các sản phẩm hạ nguồn sử dụng thép do nước ngoài sản xuất, bao gồm thép kết cấu chế tạo, nhôm đùn và thép sợi cho bê tông ứng suất trước, cũng sẽ nằm trong phạm vi bị đánh thuế 25%.
Ngoài ra, ông Trump còn cho biết sẽ áp dụng một tiêu chuẩn mới của Bắc Mỹ, trong đó yêu cầu thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ phải được nung chảy và đúc, từ đó giúp hạn chế nhập khẩu các sản phẩm được chế biến ở mức tối thiểu của Nga và Trung Quốc nhằm tránh các loại thuế khác.
Ngày 18/2 khi trả lời các phóng viên tại Mar-a-Lago, ông Trump cho biết ông sẽ công bố kế hoạch cụ thể nhằm áp thuế ô tô, linh kiện bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu vào ngày 2/4. Tuy nhiên, ông tiết lộ trước rằng mức thuế sẽ rơi vào khoảng 25%.