Ukraine đứng trước thách thức khổng lồ tái thiết đất nước

chiến sự Nga - Ukraine
13:25 - 24/02/2023
Cơ sở hạ tầng bị phá hủy trong chiến sự tại Borodyanka, tây bắc Kiev, Ukraine. Ảnh: Reuters
Cơ sở hạ tầng bị phá hủy trong chiến sự tại Borodyanka, tây bắc Kiev, Ukraine. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Khi chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tiến hành tại Ukraine vừa tròn một năm, Ukraine cùng các đồng minh phương Tây cũng đang đứng trước thách thức tái thiết đất nước khổng lồ trong bối cảnh nền kinh tế cùng cơ sở hạ tầng Ukraine bị tàn phá nghiêm trọng.

Triển vọng kinh tế u ám của Ukraine

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 10/2022, GDP của Ukraine giảm 35% trong năm ngoái trong khi tỷ lệ dân số có thu nhập dưới ngưỡng chuẩn nghèo của quốc gia này sẽ tăng lên gần 60%. Con số này của năm 2022 tăng mạnh từ ngưỡng 18% của năm 2021.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại đưa ra các ước tính tích cực hơn một chút khi dự đoán rằng nền kinh tế Ukraine suy giảm 30% trong năm 2022. Về mặt lạm phát, tuy Ngân hàng Quốc gia Ukraine cho biết tỷ lệ này bắt đầu giảm tốc, lạm phát của năm 2022 vẫn ở ngưỡng 2 chữ số là 26,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên trong một tuyên bố ngày 21/2 bên lề chuyến thăm Tổng thống Volodymyr Zelensky, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine Andriy Pyshny cùng nhiều quan chức Ukraine khác, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nhận định Ukraine vẫn còn tương lai ở phía trước.

CNBC trích dẫn bà Georgieva cho biết nền kinh tế nước này vẫn đang “hoạt động bất chấp những thách thức to lớn”. Bà nhận định dù các cuộc không kích vào cơ sở hạ tầng quan trọng diễn ra thường xuyên, nền kinh tế Ukraine đang điều chỉnh và dự kiến sẽ phục hồi kinh tế dần dần trong năm nay. Việc các cửa hàng vẫn mở cửa, dịch vụ hoạt động trong khi người dân vẫn đi làm chính là minh chứng cho tinh thần của người Ukraine.

Dù vậy, đáng chú ý nhất chính là việc bà Georgieva dành ra một số lời khen ngợi tầm nhìn của chính phủ Ukraine trong việc chuyển trọng tâm từ phục hồi kinh tế sang “tái thiết đất nước và gia nhập EU”.

Mảnh vỡ từ một tòa nhà bị hư hại nằm rải rác trên mặt đất ở Kharkiv, Ukraine. Ảnh: Getty Images

Mảnh vỡ từ một tòa nhà bị hư hại nằm rải rác trên mặt đất ở Kharkiv, Ukraine. Ảnh: Getty Images

Công cuộc tái thiết cơ sở hạ tầng khổng lồ

Hiện tại, để giúp đỡ Ukraine phần nào, IMF cam kết hỗ trợ khoản vay khẩn cấp 2,7 tỷ USD trong năm 2022 cho nước này. Ngoài ra, tổ chức này cũng đang hợp tác với Ukraine theo một chương trình giám sát chính sách kinh tế khi Kiev tìm kiếm gói hỗ trợ nhiều năm trị giá 15 tỷ USD.

Ngân hàng Thế giới cũng đã huy động được 13 tỷ USD tài trợ khẩn cấp cho Ukraine kể từ khi chiến sự bắt đầu, bao gồm các khoản tài trợ, bảo lãnh và tài trợ song song liên kết từ Mỹ, Anh, Châu Âu và Nhật Bản.

Trong khi đó tại cuộc họp G20 ngày 23/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Washing sẵn sàng hỗ trợ kinh tế cho Kiev với số tiền 10 tỷ USD trong những tuần tới. Là một trong những đồng minh lớn nhất của Ukraine, Mỹ cho tới hiện tại đã cung cấp tổng cộng 76,8 tỷ USD gồm viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo song phương cho Ukraine trong khoảng thời gian từ 24/1/2022 đến 15/1/2023.

Trong khi đó, Vương quốc Anh là quốc gia đóng góp quân sự lớn thứ 2 cho Ukraine với khoản viện trợ 5,1 tỷ USD và tiếp theo là Liên minh châu Âu với khoản viện trợ 3,3 tỷ USD.

Tuy nhiên để có thể tái thiết đất nước, Ukraine cần nguồn lực lớn hơn như vậy nhiều.

Khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai và không có dấu hiệu giảm bớt, lực lượng vũ trang Nga vẫn tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, dẫn tới tình trạng thiếu điện thường xuyên.

Một báo cáo gần đây của trường đại học Kiev School of Economics (KSE) cho biết kể từ khi chiến sự bắt đầu, đã có ít nhất 64 doanh nghiệp vừa và lớn, 84.300 đơn vị máy móc nông nghiệp, 44 trung tâm xã hội, gần 3.000 cửa hàng, 593 hiệu thuốc, gần 195.000 ô tô tư nhân, 14.400 phương tiện giao thông công cộng, 330 bệnh viện và 595 tòa nhà hành chính của chính quyền tiểu bang và địa phương đã bị hư hại, phá hủy hoặc tịch thu.

Theo ước tính của KSE, tổng thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng Ukraine là 138 tỷ USD. Mặt khác, theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, việc tái thiết lại đất nước có thể tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của Ukraine đã tăng lên mức kỷ lục 38 tỷ USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Theo nhận định của ông Razan Nasser, nhà phân tích về thị trường mới nổi tại T. Rowe Price, một khi chiến sự đi đến hồi kết và Ukraine bắt tay vào quá trình tái thiết đất nước, quy mô này sẽ “làm lu mờ bất cứ điều gì châu Âu từng chứng kiến từ Thế chiến 2”.

Phó Thủ tướng Ukraine Yulia Svyrydenko trong một bài phóng vấn với Politico tại Brussels ngày 22/2 cũng đồng ý với nhận định trên khi khẳng định rằng công cuộc tái thiết của Ukraine sẽ là một nỗ lực lớn nhất kể từ Thế chiến 2. Đồng thời, bà tuyên bố quốc gia này sẽ bắt đầu tái thiết ngay trong năm nay bất kể xung đột vẫn chưa kết thúc và các cơ sở hạ tầng tại Ukraine vẫn đang bị không kích thường xuyên.

Một cảnh trên không cho thấy các tòa nhà dân cư bị phá hủy ở Mariupol, Ukraine. Ảnh: Reuters

Một cảnh trên không cho thấy các tòa nhà dân cư bị phá hủy ở Mariupol, Ukraine. Ảnh: Reuters

Việc xây dựng lại đất nước khi chiến sự đang tiếp diễn không phải là một ý tưởng tốt nhưng theo ông Daniela Schwarzer, giám đốc điều hành của Open Society, việc này phải bắt đầu ở một số vùng của đất nước trong khi chiến tranh vẫn đang tiếp diễn. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng hư hại cần phải được giải quyết để có thể giúp người dân sinh sống và tạo cơ sở cho nền kinh tế phục hồi.

Các chính sách cụ thể hơn có thể sẽ được đưa ra bởi các tổ chức tài chính quốc tế gồm Ngân hàng Tái thiết Quốc tế và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu cùng với các chính phủ Mỹ cùng EU trong vài tháng tới. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất hiện tại là làm thế nào để đưa các khoản đầu tư tư nhân trở lại Ukraine do nỗ lực của một mình chính phủ nước này là không đủ để tái thiết đất nước.

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.